Việt Nam mạnh tay tinh giản biên chế, sẽ sáp nhập 33 huyện, 1327 xã

Giai đoạn 2023 – 2025 sẽ sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Đó là chưa kể số đơn vị hành chính diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Sputnik
Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhận thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030 có nhiều thách thức do số lượng đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp lớn hơn nhiều so với giai đoạn 2019 – 2021 trước đó.

Sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025

Chiều 12/7, tại phiên họp 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày tờ trình của Chính phủ.
Theo đó cho biết trong giai đoạn 2023 – 2025 sẽ tiến hành sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Con số này chưa tính đến số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Theo báo cáo của Chính phủ, với mức hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 0,5 tỷ đồng/xã thì ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần ước tính vào khoảng 1.323 tỷ đồng.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, lãnh đạo, cán bộ công chức và chế độ chính sách với cán bộ dôi dư do sắp xếp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo nghị quyết cơ bản kế thừa các quy định còn phù hợp của nghị quyết sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021.
Việt Nam dôi dư gần 77.000 cán bộ khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã
Một số quy định được bổ sung trong dự thảo lần này có thể kể đến như chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy.
Bên cạnh đó, quy định các chế độ, chính sách được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Về vấn đề xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp, Bộ trưởng Nội vụ thông tin, dự thảo nghị quyết quy định trong quá trình xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính thì UBND cấp tỉnh và các bộ, cơ quan Trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đồng thời lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý.
Trong vòng 2 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, phải hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

Nhiều thách thức do số lượng đơn vị phải sắp xếp lớn

Báo cáo thẩm tra nội dung nói trên, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết, Uỷ ban cơ bản tán thành.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, hiện còn nhiều ý kiến cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030 đặt ra không ít thách thức do số lượng thuộc diện bắt buộc sắp xếp lớn hơn nhiều so với giai đoạn 2019 – 2021 trước đó.
Ông Tùng cho biết, về kinh phí thực hiện, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhận thấy, dự thảo nghị quyết chưa quy định rõ khoản ngân sách Trung ương hỗ trợ được sử dụng cho những nhiệm vụ chi nào trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, chưa thể hiện rõ đây là khoản hỗ trợ bổ sung cân đối cho địa phương hay hỗ trợ có mục tiêu.
Việt Nam: Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết quy định "kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm". Điều này có thể dẫn tới trùng lắp trong bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi (gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản).
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề nghị quy định: ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với mức hỗ trợ tối đa không quá 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm, tối đa không quá 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm, nhằm đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính.
Từ đó, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội để chỉnh lý quy định của dự thảo nghị quyết.

Thu gọn bộ máy

Báo cáo của Chính phủ ghi nhận, trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố. Qua đó, cả nước giảm 8 huyện và 561 xã.
Việc sáp nhập nói trên đã làm giảm 3.437 cơ quan cấp xã và 429 cơ quan cấp huyện. Cùng với đó, số lượng biên chế cũng được giảm nhờ chủ trương này.
Tính đến hết năm 2022, cả nước giảm 648/706 (91,8%) cán bộ, công chức cấp huyện; 7.741/9.705 (79,8%) cán bộ, công chức cấp xã.
Ngân sách nhà nước giảm chi hơn 2.000 tỷ đồng.
Thảo luận