Tờ Der Spiegel cho biết, chiều thứ Ba, tại Vilnius, ông Pistorius đã trình bày về gói viện trợ quân sự này.
Ngay từ hôm thứ Hai, các quan chức chính phủ đã nói về việc chuẩn bị một gói vũ khí “rất đáng kể” cho Ukraina. Tuy nhiên, các chi tiết chỉ được trình bày bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO. Khi công bố gói viện trợ quân sự mới, chính phủ liên bang Đức muốn nhắc lại rằng “sau sự do dự ban đầu, họ đã trở thành một trong những bên quan trọng nhất ủng hộ Ukraina”. Hồi tháng 5, Đức từng tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí trị giá 2,7 tỷ euro.
Gói viện trợ quân sự mới sẽ bao gồm hai bệ phóng Patriot, 40 xe chiến đấu bộ binh Marder, 25 xe tăng Leopard 1A5, 5 xe phục hồi bọc thép Bergepanzer 2, 20.000 viên đạn pháo, 5.000 quả đạn khói 155 mm, trinh sát và bảo vệ, chống máy bay không người lái, LUNA UAV trinh sát tầm gần, rải mìn, cũng như gói hỗ trợ y tế chiến thuật, bao gồm các thành phần trang bị cho bệnh viện dã chiến.
Việc cung cấp bệ phóng Patriot và đạn dược kèm theo có "tầm quan trọng chiến lược" đối với Lực lượng Vũ trang Ukraina. Trong những tháng gần đây, các hệ thống tên lửa phòng không do Mỹ sản xuất đã "chứng tỏ tính hiệu quả của chúng". Tuy nhiên, quân đội Đức có rất ít hệ thống như vậy. Ngoài ra, quân đội Đức thiếu đạn dược công nghệ cao đắt tiền. Do đó, quân đội Đức có lẽ đón nhận tin tức về gói viện trợ quân sự mới "với nhiều cảm xúc lẫn lộn".
Ngay cả trước hội nghị thượng đỉnh, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi từng thành viên của liên minh tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraina. Theo ông, điều đặc biệt quan trọng là đảm bảo việc tiếp tục cung cấp đạn dược. Xe tăng và đạn pháo đều thiếu hụt ở tất cả các quốc gia thành viên NATO, và các kho của quân đội Đức cũng khá trống rỗng. Do đó, Bộ Quốc phòng Đức đã ký kết nhiều hợp đồng sản xuất đạn dược với ngành công nghiệp quốc phòng trong những tuần gần đây, Der Spiegel đưa tin.
Chiến dịch quân sự ở Donbass
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina vào ngày 24/2. Tổng thống Putin gọi mục tiêu của nó là "bảo vệ những người đã bị chế độ Kiev đàn áp và diệt chủng trong 8 năm qua". Ông lưu ý rằng chiến dịch quân sự đặc biệt là một biện pháp bắt buộc, Nga "không còn cơ hội để làm khác, rủi ro về an ninh đã được tạo ra đến mức không thể phản ứng bằng các biện pháp khác."
Theo ông, Nga đã cố gắng trong 30 năm để thỏa thuận với NATO về các nguyên tắc an ninh ở châu Âu, nhưng để đáp lại, Nga đã phải đối mặt hoặc với sự lừa lọc và dối trá cay độc, hoặc bị gây áp lực và tống tiền, trong khi đó liên minh này bất chấp sự phản đối của Matxcơva lại dần dần mở rộng và tiếp cận với biên giới của Liên bang Nga.