Việt Nam đang chảy máu 'nhân tài' do phân biệt tuổi tác trong tuyển dụng?
HÀ NỘI (Sputnik) - Tốn cả tháng, thậm chí cả năm để ứng tuyển, nhưng hầu hết các lao động 35-40 tuổi ở Việt Nam đều nhận lại những cái lắc đầu. Không chỉ đối mặt với thị trường ngày càng cạnh tranh, bản thân các doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại khi tuyển “người trung niên”.
SputnikThực tế phũ phàng
Chia sẻ với Sputnik, anh Nguyễn Đăng Khoa (IT, 35 tuổi) cho biết, rất khó tìm việc từ đầu năm sau khi nghỉ việc tại một công ty công nghệ nước ngoài. Thông báo tuyển nhân sự đăng tải nhiều trên mạng, tuy nhiên khi anh ứng tuyển thì không thấy hồi âm.
“Trong giai đoạn tìm việc khoảng mấy tháng trước, đa số tôi bị từ chối với lý do vượt quá số tuổi yêu cầu, mặc dù trong mô tả công việc ghi dưới 40 tuổi. Tôi cũng vượt qua 2 vòng phỏng vấn của một công ty khác. Đếm vòng cuối cùng thì nhận được thư từ chối từ phía nhà tuyển dụng “sợ tôi không thích ứng được với văn hóa công ty”, anh Khoa tâm sự.
Do suy thoái kinh tế, công ty xuất nhập khẩu chị Huyền Trang (kế toán, 36 tuổi) gắn bó 10 năm nay buộc phải đóng cửa. Quyết định “nhảy việc” ở độ tuổi này là điều chưa bao giờ chị nghĩ đến.
“Tôi ứng tuyển vào các vị trí phù hợp nhưng đa số bị từ chối do độ tuổi hoặc mức lương chưa thể đáp ứng được với nguyện vọng của mình. Sau 2 tháng tìm việc, tôi nghĩ mình vẫn sẽ nhận công việc freelance, đồng thời trau dồi thêm kiến thức sư phạm để mở lớp kế toán”, chị Trang cho biết.
Mặc dù có nhiều tiến bộ song tại Việt Nam vẫn tồn tại một số hình thức phân biệt đối xử tại nơi làm việc, đặc biệt là tuổi tác.
Ví dụ rõ nét nhất phải nhắc đến trường hợp của
công ty Pouyuen (quận Bình Tân, TP HCM). Trong tháng 4/2023, gần 5.500 công nhân bị cắt giảm, hơn 50% trong số này trên 40 tuổi và khoảng 60% lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên.
Thâm niên kinh nghiệm, sao vẫn bị từ chối?
Trao đổi với Sputnik, ông Trần Vũ Thanh, Giám đốc chiến lược Better You - đơn vị cung cấp giải pháp về nhân sự (Quận 1, TP HCM), cho biết các công ty ngại tuyển lao động ở tuổi trung niên thường là vì một số lý do.
“Thứ nhất là về chi phí trả cho lao động thuộc độ tuổi đó. Lao động ở tuổi trung niên tức là đã có nhiều kinh nghiệm và sẽ có yêu cầu về lương, thu nhập cao hơn so với các bạn trẻ ít kinh nghiệm hơn. Trong khi có những kinh nghiệm của Người lao động trung niên mà công ty chưa cần dùng đến”, ông Thanh chỉ ra.
Theo ông Thanh, nguyên nhân thứ hai khiến nhà tuyển dụng lo ngại tuyển các lao động trung niên do khả năng ưu tiên cho công việc không cao do vướng bận gia đình hoặc có suy nghĩ an phận.
“Bên cạnh đó, Nhà tuyển dụng còn cho rằng sức sáng tạo, khả năng thích nghi, tình thần học hỏi cũng ít tiềm năng hơn so với các bạn trẻ. Cuối cùng là vì ngại quản lý người có nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm hơn mình. Các vị trí Quản lý khi tuyển thêm thành viên cho đơn vị, phòng ban của mình thì họ sẽ ưu tiên người trẻ hơn mình để có cảm giác an tâm và thuận tiện khi quản lý nhân sự về sau”, chuyên gia cho biết thêm.
Đồng quan điểm, bà Huỳnh Mai, chuyên viên nhân sự cấp cao một ngân hàng quốc tế chia sẻ với Sputnik:
“Lương phải trả cao cho lao động ở độ tuổi này cao hơn fresher/younger. Ngoài ra, lao động ở độ tuổi này thường có tâm lý bảo thủ, khó hòa nhập với sếp nhỏ tuổi hơn. Trong khi đó, các fresher/younger ngày càng giỏi hơn. Họ chỉ cần 2-3 năm đào tạo là có thể làm như người có thâm niên ở độ tuổi trung niên, trong khi ít đòi hỏi và có độ cống hiến cao hơn”.
Có hay không việc lãng phí nguồn lực?
Nếu tuyển nhân sự trung niên, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo, tận dụng kinh nghiệm của những nhân sự này để giải quyết những vấn đề từ thực thi đến chiến lược. Tuy nhiên, từ chối tệp lao động này sẽ ảnh hưởng ra sao tới doanh nghiệp? Ông Trần Vũ Thanh, Giám đốc chiến lược Better You, phân tích:
“Theo tôi, tác động khi từ chối tuyển lao động tuổi trung niên còn tuỳ thuộc vào bối cảnh của doanh nghiệp ở từng thời điểm. Ở góc độ quản trị nguồn nhân lực trong Doanh nghiệp, điều gì quá cũng đều không tốt”.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải vật lộn để duy trì hoạt động, dẫn đến lượng việc làm suy giảm ở hầu hết các ngành. Theo báo cáo 4 tháng đầu năm 2023 của Navigos cho thấy, phần lớn các ngành đều giảm nhu cầu tuyển dụng từ 20% (CNTT) đến 43% (du lịch, nhà hàng, khách sạn).
Bài toán nhân sự trung niên cần nhiều hơn một lời giải. Ông Trần Vũ Thanh, Giám đốc chiến lược Better You, cho biết:
“Tôi nghĩ cần xem xét kỹ bối cảnh và tận dụng thế mạnh của từng nhóm lao động, cân bằng tỷ lệ để đa dạng hoá nguồn nhân lực. Đồng thời, tạo môi trường hợp tác, công bằng để các nhóm Nhân viên phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình, đó mới là chiến lược phát triển bền vững”.
Bên cạnh đó, để giải quyết thực trạng này, nhà nước cần phối hợp với các cơ quan liên quan tạo ra thị trường việc làm phong phú, để mất việc làm này người lao động có thể làm việc khác hoặc học nghề khác.
“Với nhóm lao động nào cũng cần cân nhắc yếu tố đạo đức. Nếu người lao động gắn bó lâu năm, có nhiều đóng góp, không thể "vắt chanh bỏ vỏ", mà cần có sự xử lý thấu đáo, nhất trí của cả hai bên”, bà Huỳnh Mai, chuyên viên nhân sự cấp cao một ngân hàng quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh.