Việt Nam sẽ vay ODA gần 2,5 tỷ USD để đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long

HÀ NỘI (Sputnik) - Chính phủ vừa ban hành nghị quyết đồng ý vay hơn 2,48 tỷ USD vốn ODA để đầu tư, xây dựng 16 dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sputnik
Nghị quyết vừa được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký hôm nay 19/7.
Các dự án này của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng vốn vay của các dự án hơn 2,48 tỷ USD. Chính phủ cũng đồng ý áp dụng tỷ lệ cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài là 10% với 14 dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hai bộ và các địa phương có dự án trong diện vay vốn (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang...) được yêu cầu thực hiện đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Việt Nam tiếp tục "gọi" thành công 61 tỷ yên vốn ODA
Cụ thể, 16 dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm:
1.
Dự án ba cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây, tổng mức đầu tư dự kiến 4.798 tỉ đồng.
2.
Dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh Tiền Giang - Long An - Bến Tre (giai đoạn 1) vay vốn ADB, tổng mức đầu tư 5.591 tỉ đồng.
3.
Dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh vay vốn KEXIM, tổng vốn đầu tư là 7.905 tỉ đồng.
4.
Dự án tuyến đường hành lang ven biển tại Trà Vinh vay vốn ADB, tổng mức đầu tư 9.187 tỉ đồng.
5.
Dự án hoàn thiện đê bao sông Mang Thít (giai đoạn 2) - kè sông Hậu vay vốn AFD, tổng mức đầu tư dự kiến 4.153 tỉ đồng.
6.
Dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu gồm nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C (đoạn qua Cần Thơ - Kiên Giang) vay vốn JICA, có tổng mức đầu tư dự kiến là 6.433 tỉ đồng.
7.
Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (quốc lộ 61C) vay vốn JICA, tổng mức đầu tư 4.601 tỉ đồng.
8.
Dự án xây dựng các tuyến đường bộ nhằm cải thiện liên kết vùng Đông Nam của tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Trà Vinh vay vốn ADB, tổng mức đầu tư dự kiến 5.918 tỉ đồng.
9.
Dự án hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp vay vốn ADB, tổng mức đầu tư dự kiến 4.266 tỉ đồng.
10.
Dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT 963 đoạn quốc lộ 80 - Vị Thanh qua huyện Tân Hiệp và huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, có tổng mức đầu tư dự kiến 2.453 tỉ đồng.
11.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ ven biển kết nối tỉnh Kiên Giang với tỉnh Cà Mau vay vốn KfW, tổng mức đầu tư 2.319 tỉ đồng.
12.
Dự án xây dựng hệ thống hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên vay vốn KEXIM, có tổng mức đầu tư dự kiến 3.186 tỉ đồng.
13.
Dự án đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu và đoạn nhánh kết nối đường Nam sông Hậu vay vốn ADB, tổng mức đầu tư dự kiến 3.441 tỉ đồng.
14.
Dự án đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Cà Mau vay vốn KEXIM, tổng mức đầu tư dự kiến 8.310 tỉ đồng.
15.
Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, 91B) tại Đồng bằng sông Cửu Long vay vốn WB, tổng mức đầu tư dự kiến 7.158 tỉ đồng.
16.
Dự án chống chịu khí hậu chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MERIT), vay vốn WB, tổng mức đầu tư dự kiến là 6.619 tỉ đồng.
'Thủ phủ miền Tây' đề xuất sử dụng 2.700 tỷ đồng vốn ODA để xây dựng đường kết nối vùng
Theo VnExpress, năm 2023, tổng dự toán vốn nước ngoài từ nguồn ngân sách trung ương được Thủ tướng giao 11 bộ, ngành là hơn 11.858 tỷ đồng, cho 57 dự án và tiểu dự án.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài đạt 27,4% dự toán được giao, tương đương 3.251 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ ngành khoảng 3.225 tỷ đồng, đạt trên 27% dự toán.
Thảo luận