Lãnh đạo Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cũng tuyên bố, Mỹ hài lòng về những tiến bộ mà Việt Nam đạt được thời gian qua về minh bạch chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái.
Trong một diễn biến khác, Vương quốc Anh nói sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đã đạt tiến bộ rất đáng khích lệ và phương Tây rồi sẽ phải thừa nhận sự thật này.
Việt Nam không theo đuổi chính sách xuất siêu sang Mỹ
Chiều 21/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen.
Phát biểu với Bộ trưởng Ngân khố Mỹ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, với cương vị là Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế, tài chính, an ninh tiền tệ quốc gia của Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, chuyến thăm của Bộ trưởng có ý nghĩa rất quan trọng nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Theo ông Huệ, chuyến thăm của bà Yellen cũng góp phần quan trọng thúc đẩy thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác, phát triển.
Tương tự các nhà cầm quyền khác của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
Theo người đứng đầu Quốc hội, Việt Nam coi Hoa Kỳ là một đối tác “rất quan trọng”. Hà Nội ủng hộ tăng cường quan hệ song phương ổn định, lâu dài và thực chất, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chương trình chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ và đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ trên tất cả các kênh: Đảng, Nhà nước, Nghị viện và giao lưu nhân dân,tăng cường hơn nữa kênh hợp tác Nghị viện, trao đổi Đoàn cấp cao, các cấp. Ông Huệ nêu bật việc thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan lập pháp tương xứng với quan hệ hai nước.
Đối với hợp tác thương mại, đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tích cực phối hợp để thiết lập, triển khai các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới, hiệu quả hơn.
“Việt Nam không theo đuổi chính sách xuất siêu sang Mỹ”, - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đồng thời khẳng định, Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động lâu dài và thành công tại Việt Nam.
Cá nhân ôngchia sẻ đã nhiều lần trao đổi với các nghị sĩ và doanh nghiệp Hoa Kỳ về mong muốn nâng thứ hạng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Đề nghị Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam
Đáng chú ý, tại cuộc gặp với bà Janet Yellen, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị chính quyền Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, theo TTXVN.
Đồng thời với sự thừa nhận ấy, lãnh đạo Quốc hội đề nghị Mỹ hạn chế các biện pháp kỹ thuật và phòng vệ thương mại để tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Như đã biết, nền kinh tế thị trường là một khái niệm được một số nước sử dụng khi tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác.
Việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường thường dựa trên đánh giá về mức độ can thiệp của nhà nước đối với các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ kiểm soát và can thiệp của nhà nước đối với các yếu tố sản xuất như vốn, lao động.
Theo đó, một quốc gia có sự can thiệp quá sâu của nhà nước có thể không được xem là một nền kinh tế thị trường
Ông Huệ cũng kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ Hoa Kỳ có biện pháp hỗ trợ Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế đa dạng hóa, tái cấu trúc lại thương mại và đầu tư hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
“Chính phủ hai nước hợp tác hình thành một số chuỗi cung ứng mà Việt Nam có tiềm năng, nhu cầu và Mỹ có thế mạnh”, - ông Vương Đình Huệ đề xuất.
Về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng công bằng, nhất là về tài chính nhằm bảo đảm sự cân bằng, hài hòa lợi ích/chi phí của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong lộ trình chuyển đổi năng lượng.
Trước mắt, ông Huệ đề nghị dành nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, thực chất cho chương trình JETP và các sáng kiến/dự án hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác Mê Kông - Hoa Kỳ.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam phát triển mạnh mẽ kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số; hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số an toàn và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Biden ưu tiên Việt Nam như một đối tác quan trọng của Mỹ
Tại Nhà Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành thời gian tiếp.
Bà Janet Yellen đánh giá cao những tiến triển trong quan hệ hai nước thời gian qua.
“Mỹ coi trọng, tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đi vào chiều sâu”, - người đứng đầu Bộ Ngân khố Mỹ tuyên bố.
Bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tin tưởng, Việt Nam sẽ thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nướcvà Mỹ mong muốn đóng góp vào tiến trình này.
Bà Janet Yellen cho biết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng những vấn đề Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập (trong đó có đề nghị công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường – PV) và trả lời cụ thể về những vấn đề có thể triển khai ngay trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
Đáng chú ý, khẳng định với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh, Mỹhài lòng về những tiến bộ mà phía Việt Nam đã đạt được thời gian qua trong việc thực hiện “Kế hoạch hành động về tỷ giá và minh bạch hoá thông tin”. Hai bên đã đối thoại tích cực, xây dựng và mong muốn tiếp tục tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực này.
“Chính phủ của Tổng thống Joe Biden dành ưu tiên cao đối với các đối tác quan trọng như Việt Nam nhằm bảo đảm tính ổn định và tăng tính chống chịu của các chuỗi cung ứng”, - bà Janet Yellen nêu rõ.
Hoan nghênh Việt Nam và các đối tác đã ra Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) vào tháng 12/2022, Bộ trưởng Janet Yellen đánh giá cao việc Việt Nam đã có những bước đi tích cực để triển khai Tuyên bố này.
Theo lãnh đạo Bộ Ngân khố Mỹ, Washington ủng hộ Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính đa phương cũng như nguồn tài chính tư nhân để thực hiện tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững.
Anh sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Trong một diễn biến rất đáng chú ý khác, Vương Quốc Anh sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Cụ thể, theo thông cáo của Bộ Công Thương Việt Nam ngày 21-7, Vương quốc Anh sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Động thái đặc biệt quan trọng này từ một nền kinh tế lớn phương Tây như Anh được đưa đưa ra sau khi Anh thành công gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tuần trước, như Sputnik đưa tin.
Với việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp phải điều tra phòng vệ thương mại.
“Trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Vương quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại”, - Bộ Công Thương khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
Khi được công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng Việt Nam xuất khẩu sẽ được đối xử công bằng, có điều kiện thâm nhập, mở rộng thị trường, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp ổn định hơn. Qua đó, góp phần thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế.
Hiện, đã có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường thông qua các hình thức khác nhau.
Với những diễn biến mới nhất và sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, không lâu nữa, phương Tây cũng sẽ phải tiến tới công nhận sự thật rằng, Việt Nam xứng đáng được công nhận là nền kinh tế thị trường.