Chuyện gì đang xảy ra với lô hàng xuất khẩu nửa triệu USD của Việt Nam ở UAE?

HÀ NỘI (Sputnik) - Tính đến ngày 24/7, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPA), ít nhất 4 doanh nghiệp ngành tiêu, điều và cây gia vị Việt Nam nghi bị lừa đảo.
Sputnik
VPA cho biết đến nay 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán (gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container điều, với tổng trị giá khoảng 400.000 USD). Khả năng lô hàng hoa hồi trị giá 126.300 USD, dự kiến cập cảng ngày 26/7, cũng có nguy cơ bị mất do bộ chứng từ gốc đã thất lạc.
Hàng đến cảng Jebel Ali Dubai - UAE. Người mua: Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (BARFT). Ngân hàng thu hộ người mua: Ajman Bank PJSC. Điều khoản thanh toán: Nhờ thu D/P. Hàng cập cảng tháng 6, 7/2023.
"Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới Ngân hàng Ajman và nhân viên Ngân hàng Ajman đã xác nhận ký nhận thành công 5 bộ chứng từ. Tuy nhiên sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại Ngân hàng Ajman nên các ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu Ngân hàng Ajman thanh toán. Nhận thấy sự trì hoãn, chây ì từ phía cả ngân hàng và người mua nên công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 container hàng đều đã biến mất khỏi cảng. Khi phát hiện vụ việc, người mua không liên hệ được và nay công ty cũng đã đóng cửa", văn bản VPA nêu rõ.
Theo đại diện Vinacas, nguyên nhân thường gặp do các doanh nghiệp bán hàng thông qua môi giới, đồng thời liên quan đến phương thức thanh toán. Vị này cho rằng thanh toán bằng phương thức thư tín dụng (L/C) là an toàn nhất.
3 doanh nghiệp Việt dính vào phi vụ lừa đảo quốc tế, Vinacas phát cảnh báo
L/C muốn phát hành phải do một tổ chức có uy tín, có khả năng đảm bảo thanh toán, bảo lãnh những khoản mua bán có giá trị nhằm tạo ra sự an tâm cho người mua và người bán.
Trong khi đó, phương thức thanh toán nhờ thu qua ngân hàng thì phía ngân hàng bên mua chỉ có thể trả bộ chứng từ cho người mua khi người mua nộp tiền vào để đi lấy hàng.
"Ở đây nghi vấn có sự cấu kết giữa ngân hàng, hoặc thậm chí có sự lách luật để hỗ trợ người mua khi họ không có tiền nhưng có tài sản thế chấp để lấy hóa đơn chứng từ và lấy hàng về bán, sau đó mới lấy tiền bán hàng nộp về cho ngân hàng. Nếu xảy ra trường hợp này, bên bán sẽ không mất tiền, nhưng thời gian chờ đợi lấy tiền về khá lâu. Hiện chúng tôi mong sẽ rơi vào hình thức này, dù điều này không đúng với thông lệ quốc tế", lãnh đạo Vinacas nói.
Sau khi nhận được văn bản của Vinacas, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại UAE, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã có Công hàm số 1465 gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội đề nghị Đại sứ quán thông báo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc.
Nắm bắt xu hướng để đưa nông sản Việt Nam tiến vào châu Âu
Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao UAE, Cảnh sát Dubai, Ngân hàng Trung ương UAE và một số ngân hàng cũng như hãng tàu có liên quan. Đồng thời, Thương vụ tiến hành làm việc với một số đơn vị như chi nhánh ngân hàng có liên quan tại Dubai; cảnh sát Dubai và nộp hồ sơ trình báo về vụ việc; hãng tàu và cơ quan chức năng của cảng Jebel Ali, cụ thể:
1.
Yêu cầu cảng vụ Jebel Ali Port Authority tại UAE giữ lại lô hàng Hoa Hồi trị giá 126.300 USD và không cho lấy hàng ra khỏi cảng.
2.
Yêu cầu cảnh sát Dubai - Local Police Office In Jebel mở chuyên án điều tra để bắt giữ người mua, điều tra và trả lại 4 lô hàng đã bị lấy trước đó cho các doanh nghiệp và giúp thu hồi số tiền hàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời sớm có biện pháp tạm giữ người đến nhận lô hàng Hoa Hồi theo lịch trình sẽ đến cảng vào ngày 26/7/2023 để điều tra.
3.
Yêu cầu hãng tàu tại Dubai phối hợp hỗ trợ với Cảng vụ Jebel Ali và cảnh sát để tạm giữ lô hàng 26/7 và không cho phép lấy hàng.
4.
Yêu cầu Ngân hàng Trung ương Dubai - UAE xem xét, giám sát thanh tra ngân hàng Ajman Bank PJSC là bên liên đới phải chịu trách nhiệm thu tiền hàng về cho DN Việt Nam theo đúng điều khoản thanh toán D/P.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ.
Để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với doanh nghiệp nước ngoài phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn nhất.
Thảo luận