Ngân hàng thừa tiền nhưng Việt Nam không thể dùng mãi “đũa thần”

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thanh khoản dồi dạo, ngân hàng vẫn dư tiền trong kho và sẽ giảm thêm lãi suất.
Sputnik
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chính sách tín dụng không phải đôi đũa thần để giải quyết mọi vấn đề của nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân.

Chưa bao giờ NHNN điều hành khó khăn như hiện nay

Ngày 25/7, hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" do Thời báo Ngân hàng tổ chức đã diễn ra với chủ đề xuyên suốt là tín dụng tăng trưởng và gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động đi vay.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, khó lường, chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất tăng lên rất nhanh, kéo dài.

“Trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm cùng những khó khăn nội tại của nền kinh tế; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam đều gặp khó khăn từ sau dịch Covid-19; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn; lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.

Theo lãnh đạo NHNN, những diễn biến này đã và đang khiến cho tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
“Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của ngành Ngân hàng ở mức thấp, mặc dù NHNN và toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân”, ông Tú nói.
Phó Thống đốc thừa nhận, với vai trò điều hành chính sách tiền tệ, chưa bao giờ NHNN điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay, khó như thời điểm cuối năm 2022, mức độ gay gắt đã hơn nhiều.
Ông Tú lý giải, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch; sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn.
Vì sao nhiều ngân hàng Việt đồng loạt sa thải nhiều nhân sự?
“Đối với NHNN, rất nhiều năm qua mới điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh đó. Tăng lãi suất hay giảm lãi suất; cung tiền ra nhiều hay ít; làm thế nào để tăng tín dụng, hài hòa giữa chất lượng và số lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia… đều là những vấn đề NHNN phải lưu ý và điều hành”, Phó Thống đốc bày tỏ.
Ông lưu ý, sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ rất khó của nhà điều hành.

Chính sách tiền tệ, tín dụng không phải ‘đôi đũa thần’

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,5 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,7% so với đầu năm, bằng một nửa tốc độ của cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, cũng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm nay nhằm hạ mặt bằng chi phí cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng kém lạc quan.
Phó Thống đốc cho biết, ở thời điểm hiện tại, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là vấn đề đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề đặc biệt quan tâm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
“Khi có điều kiện Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí”, Phó Thống đốc Tú nói.
Tuy nhiên, ông Tú nhắc lại, giảm lãi suất chỉ là một phần của vấn đề chứ chưa đủ để kéo tăng trưởng tín dụng đi lên. Các gói tín dụng hỗ trợ ngành bất động sản như gói 120.000 tỷ đồng; gói 15.000 tỷ đồng mới được công bố và đang được triển khai cho vay lâm nghiệp, thủy sản và một loạt các chương trình khác được các ngân hàng triển khai… Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ.
“Nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng ngay trong ngắn hạn; câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng; chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát”, ông Tú lý giải.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, chính sách tiền tệ, tín dụng không phải là đôi đũa thần. Việc khơi thông nhu cầu vốn của nền kinh tế không thể dựa hết vào công cụ này. Nhà điều hành lưu ý, chính sách tiền tệ sẽ cố gắng điều hành linh hoạt những công cụ trong tay ngân hàng có, tuy nhiên cần phải hài hòa nhiều yếu tố.
Nếu chỉ biết nhìn trước mắt thì sẽ hứng hậu quả trung dài hạn, có những hệ luỵ khó chữa được, như câu chuyện nợ xấu từ 2009-2011 mất chục năm vẫn chưa giải quyết xong. Do đó, theo ông Tú, đây là thời điểm cần sự vào cuộc của các chính sách khác. Việc đẩy mạnh đầu tư công thông qua dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ giúp tín dụng chảy vào doanh nghiệp nguyên vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu đang gặp khó cần tới chính sách hỗ trợ tiêu dùng nội địa từ Bộ Công Thương.
Ông Đào Minh Tú cũng cho rằng cần xử lý triệt để các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để qua đó góp phần đẩy mạnh cả 2 phía cung – cầu tín dụng.
Người dân có thể vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng kia từ 1/9

Ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp ngại vay vốn

Đánh giá về sức cầu nền kinh tế yếu, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia tài chính cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, hiện tại sức cầu đang suy yếu, ảnh hưởng tới thu nhập và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
“Vấn đề ở đây không phải là doanh nghiệp không có năng lực mà họ không muốn vay vốn. Tôi thấy số liệu thống kê của doanh nghiệp niêm yết cho thấy tỷ lệ nợ trên vốn đang là 60%. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có nhiều dư địa để vay vốn nhưng họ không có nhu cầu vay”, ông Ketut Ariadi Kusuma nói thẳng.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, hiện nay, số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều. Do đó, các cơ quan cần nghiên cứu toàn diện, hạ các điều kiện tiếp cận vốn.
Thừa nhận khó khăn đang khiến doanh nghiệp ngại vay vốn, ông Thân cho biết, doanh nghiệp rất thực dụng, không có đơn hàng thì cần vay vốn làm gì. Không phải cứ giảm lãi suất là vay.
Tuy nhiên, ông cũng nêu một số doanh nghiệp muốn vay lại khó tiếp cận do tiêu chí khó khăn, có tình trạng một số cán bộ ngân hàng gây khó dễ.
“Rất nhiều doanh nghiệp đang đề nghị ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp để dễ bề tiếp cận vốn”, ông Thân nói.
Trong bối cảnh đó, để gỡ nút thắt về tín dụng, bên cạnh lãi suất, nhiều doanh nghiệp mong muốn các điều kiện cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thay vì bất động sản, ngân hàng có thể chấp nhận thế chấp bằng nguyên, vật liệu, hoặc các hợp đồng kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh.
Các ngân hàng ở Việt Nam ồ ạt giảm lãi suất huy động
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) lưu ý, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong quyết định cho vay do không được hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Theo bà Giang, một số nhóm khách muốn vay như bất động sản vẫn vướng thủ tục pháp lý. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã lại có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam cho rằng, iảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn.
Chìa khóa thứ hai do chính các doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thanh khoản ngân hàng hiện đang dồi dào, nên làm sao những chính sách tiền tệ như thế này phải đi nhanh được vào thực tiễn và làm sao doanh nghiệp có thể vay được vốn với lãi suất hợp lý để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh là bài toán cần giải.
Phó Thống đốc cho biết, ngoài giải pháp chính sách từ ngành ngân hàng, sẽ phối hợp đồng bộ từ các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.
Thảo luận