Theo đơn vị tư vấn, kinh nghiệm phát triển đường sắt trên thế giới cho thấy, đối với tàu tốc độ cao, thường bố trí tiếp cận sâu trong trung tâm tại các thành phố lớn như Tokyo, Berlin, Paris, Bắc Kinh.
Nếu bố trí ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ngọc Hồi - cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 10km – thì sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu.
Đề xuất kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào ga Hà Nội
Cục Đường sắt Việt Nam đang lấy ý kiến đối với báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội của liên danh tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải (CCTDI) với nhiều nội dung đáng chú ý.
Cụ thể, báo cáo của đơn vị tư vấn cho biết các quy hoạch, dự án liên quan hầu hết đều định hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có kết nối vào trung tâm TP. Hà Nội (tại vị trí ga Hà Nội hiện tại).
Tuy nhiên, quy hoạch mạng lưới đường sắt (QH1769) đã định hướng chuyển đổi công năng toàn bộ đoạn tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm và xuyên tâm (phía trong đường sắt vành đai) đồng thời xác định ga Ngọc Hồi là ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Phía tư vấn lưu ý rằng, theo nghiên cứu kinh nghiệm phát triển đường sắt trên thế giới cho thấy đối với loại hình dịch vụ tàu đường sắt tốc độ cao thường được bố trí tiếp cận sâu trong trung tâm tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Berlin, Tokyo, Paris.
Đối với Việt Nam, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) cho rằng, việc bố trí ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tại Ngọc Hồi cách xa trung tâm TP.Hà Nội khoảng 10km sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là các khu vực phía Bắc sông Hồng.
Đơn vị tư vấn lưu ý, mô hình đường sắt tốc độ cao sử dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng đường riêng, giao cắt lập thể, không xung đột với các loại hình giao thông đô thị nên về cơ bản sẽ không gặp phải các tồn tại, bất cập của hệ thống đường sắt quốc gia hướng tâm hiện nay.
Do đó, đơn vị này kiến nghị nên kết nối đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội chứ không phải ga Ngọc Hồi.
Đối với ga Ngọc Hồi, đơn vị tư vấn cho rằng, ga này vẫn được quy hoạch là đầu mối, nơi tập kết tàu, bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật cho tàu tốc độ cao.
Ga đầu mối phía đông là ga Lạc Đạo (tỉnh Hưng Yên); ga đầu mối phía bắc là ga Yên Viên (đầu mối vận tải hành khách), ga Yên Thường (đầu mối vận tải hàng hóa); ga Bắc Hồng (ga trung gian có dự trữ quỹ đất phát triển công nghiệp đường sắt).
Tranh cãi trái chiều
Đề xuất chọn ga Hà Nội là điểm xuất phát của đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam nhận nhiều ý kiến trái ngược.
Người phản đối cho rằng, đặt ga xuất phát tại ga Hà Nội sẽ gặp nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng. Cụ thể, nếu xây đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam thì sẽ phải xem xét phương án làm trên cao hay chạy ngầm để tránh xung đột với hệ thống giao thông đường bộ hiện có, như vậy sẽ kéo theo nhiều chi phí phát sinh rất lớn.
Theo đó, nếu điểm đầu đặt tại ga Ngọc Hồi thì sẽ kéo giãn mật độ dân số, giúp phát triển kinh tế phía Nam Hà Nội, hạn chế dân cư tập trung đông đúc vào khu vực nội thành. Cạnh đó, việc đặt điểm đầu ở ga Hà Nội yêu cầu thành phố cần có cơ sở hạ tầng đủ lớn, để đáp ứng việc trung chuyển.
Ở chiều ngược lại, nhiều người đồng tình với việc ga xuất phát là ga Hà Nội chứ không phải ga Ngọc Hồi. Theo đó, nếu đặt ga tàu tốc độ cao ở ngoài trung tâm thành phố thì sẽ làm mất đi lợi thế của tàu cao tốc vì giá vé đã cao lại phải cộng thêm phí và công sức di chuyển.
Nhiều người nhắc đến việc quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 vốn đã được cơ quan chức năng và nhiều đơn vị liên quan “nghiên cứu kỹ”, Thủ tướng cũng đã kết luận điểm đầu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam đặt ở ga Ngọc Hồi.
Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đã có quy hoạch dự kiến đưa huyện Thanh Trì (nơi có ga Ngọc Hồi) lên quận trong tương lai. Hơn thế nữa, về hạ tầng cơ quan quản lý cũng đang muốn rời ga Hà Nội về ga Ngọc Hồi.
Ở góc nhìn chuyên gia, theo TS. Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ quan điểm với báo Vietnamnet của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc chuyển ga xuất phát (điểm đầu) tuyến đường sắt tốc độ cao từ gà Ngọc Hồi về ga Hà Nội sẽ tối ưu hơn.
Chuyên gia cho rằng, giữ nguyên ga Hà Nội là ga trung tâm của Thủ đô và ga này cũng là ga đầu tiên của tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh, việc chuyển ga này sang ga khác là rất tốn kém, nếu vẫn giữ ga Hà Nội mà chuyển điểm đầu của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam bằng ga Ngọc Hồi thì ga này phải xây dựng hàng chục nghìn tỷ đồng.
“Vì thế, nếu quy hoạch vẫn lấy ga Hà Nội làm ga chính, là điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam thì sẽ giảm chi phí. Từ đó, chúng ta chỉ tập trung quy hoạch khu vực ga Hà Nội, sẽ hợp lý hơn”, - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy góp ý.
Một chuyên gia giao thông khác - TS Phan Lê Bình cũng bày tỏ với Vietnamnet thì cho rằng, trước khi có những tính toán cụ thể, kỹ lưỡng về phương án kỹ thuật và tài chính, không thể dễ dàng nói đến việc ủng hộ đặt ga đường sắt cao tốc tại ga Hà Nội hiện nay.
TS. Bình chỉ rõ, có thể khi đường sắt tốc độ cao vào được nội đô thành phố sẽ mang lại nhiều tiện lợi cho hành khách, như tại Nhật Bản, một số nhà ga đường sắt tốc độ cao đặt được ở trung tâm thành phố nhưng cũng có một số ga do điều kiện mặt bằng hạn chế họ buộc phải đẩy ra vùng ven.
Hành khách xuống những ga ven đô đó sẽ phải trung chuyển qua các tuyến đường sắt đô thị khác để vào trung tâm.
“Bên cạnh sự tiện lợi cho hành khách khi đặt ra đầu tiên ở nội đô thì cũng cần tính đến việc mặt bằng có đáp ứng hay không? Nếu không có đủ mặt bằng thì phải làm ngầm, làm nổi lên cao. Nếu áp dụng những phương pháp kỹ thuật này thì chi phí dự án sẽ bị đội lên rất nhiều”, - chuyên gia Phan Lê Bình lý giải.
Thận trọng học hỏi kinh nghiệm
Trước đó, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm dài 1.545km, đường sắt đôi khổ 1.435mm.
Trong đó, ga Ngọc Hồi là điểm đầu của tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.
Ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt đô thị, phục vụ tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên.
Cũng liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ngày 26/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư dự án này.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải trước hoàn thành việc đề xuất thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt tốc độ cao khác kết nối liên vùng và quốc tế trong hệ thống đường sắt quốc gia theo đúng quy định trước ngày 5/8/2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội là thành viên Ban chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thành lập tổ tư vấn giúp việc cho Ban chỉ đạo, làm việc chuyên trách (không kiêm nhiệm), bao gồm các chuyên gia đầu ngành, tâm huyết về giao thông vận tải đường sắt (kể cả chuyên gia đã nghỉ hưu).
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị và các văn bản khác có liên quan đến định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam.
“Trên cơ sở đó, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện, đề xuất phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, bảo đảm hiệu quả, khả thi và bền vững”, - Thủ tướng nhất quán chủ trương.
Đồng thời, căn cứ lịch công tác, chương trình làm việc 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để kịp thời hoàn thiện đề án, báo cáo Thường trực Chính phủ theo quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ yêu cầu.
Như Sputnik đề cập, Bộ Giao thông vận tải đánh giá, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có quy mô rất lớn, ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế - xã hội của đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp.
Đây cũng là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Do đó, dự án cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật, mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.
Vì tính chất quan trọng của dự án đối với đất nước, Bộ GTVT hiện đang rất tích cực đi thực tế để học kinh nghiệm của một loạt quốc gia có đường sắt phát triển ở châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản để cập nhật, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tiền khả thi.
Để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, minh bạch, Bộ GTVT dự kiến huy động một số chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm, phối hợp với tư vấn trong nước để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định.