Việt Nam sắp họp về tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp với các bên liên quan để xem xét việc có điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2024 hay không.
Sputnik
Nhiều công nhân bày tỏ “tâm tư” về mức lương, thu nhập hiện tại, bởi “lương chưa tăng mà giá cả đã tăng”. Ngoài ra, tình trạng thiếu việc làm cũng là một vấn đề đáng lo ngại với người lao động tại Việt Nam.

Sẽ họp bàn tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Chiều 28/7, phát biểu tại Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn”, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, khoảng đầu tháng 8 tới sẽ họp bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.
Theo đó, dự kiến ngày 8/8, Bộ sẽ tổ chức cuộc họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia với các cơ quan liên quan nhằm xem xét, đánh giá thực trạng, mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng, thu nhập của người lao động
Dựa trên kết quả đó, Bộ sẽ tính toán có điều chỉnh mức lương tối thiểu vào năm 2024 hay không.
“Nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào? Việc này sẽ được đánh giá một cách căn cơ, bài bản sau đó mới có phương án cụ thể trên tinh thần hài hoà, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì mới tạo công ăn, việc làm cho người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Về điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, mức tiền lương tối thiểu vùng trong khu vực sản xuất và cải cách tiền lương trong khu vực công được thực hiện theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.
Đi rút BHXH một lần: Lao động cần tiền, khó chờ lương hưu
Quốc hội đã nhiều lần ban hành nghị quyết về vấn đề này, mà lần gần đây nhất là tại nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, giao Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương bao gồm khu vực công và khu vực tư tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 để xem xét lộ trình, cân đối nguồn lực.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong thời gian chưa cải cách tiền lương, sẽ xem xét điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, chỉ số lạm phát…

“Phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và người lao động. Bởi tiền lương là thu nhập của người lao động, là chi phí của doanh nghiệp”, người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh.

Vì vậy, các cơ quan liên quan cần phối hợp tham mưu để báo cáo, xem xét trình với Chính phủ quyết định, nếu đồng ý sẽ có nghị định ban hành. Ủy ban xã hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tăng cường giám sát vấn đề này.

Người lao động “tâm tư” về việc làm, tiền lương, thu nhập

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu người lao động đã bày tỏ tâm tư đối với vấn đề việc làm, thu nhập, đặc biệt trong bối cảnh đời sống khó khăn do tình trạng mất việc, giảm giờ làm.
Tờ Vneconomy dẫn lời chị H’Chuyên Niê, công nhân Nông trường cao su Cuôr Đăng, Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đối với người lao động, đi làm trước hết là để có lương nuôi sống bản thân và gia đình, rồi sau đó là cống hiến xây dựng đất nước.
Theo chị, tiền lương là vấn đề được tất cả đoàn viên, người lao động quan tâm, nhất là đối với người lao động trực tiếp.
Chị H’Chuyên Niê chia sẻ, trong mấy năm qua, Nhà nước đã quan tâm tăng mức lương tối thiểu vùng với mục đích giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống của người lao động. Dù vậy, trên thực tế thì lương chưa tăng mà giá cả đã tăng.
“Gần đây giá thịt lợn, nhiều loại mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động”, nữ công nhân lo ngại.
Nguyên cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận tiền hối lộ "như lương tháng"
Do vậy, chị H’Chuyên Niê kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm, giám sát, cải thiện mức lương công chức, viên chức, mức lương tối thiểu vùng để nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, tiếp thêm cho họ động lực cống hiến cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước.
“Thu nhập đủ sống cũng là một giải pháp phòng, chống tham nhũng và giữ chân công chức, viên chức ở lại trong hệ thống các cơ quan Nhà nước”, nữ công nhân trình bày.
Về phần mình, chị Nguyễn Thị Thúy Hồng, công nhân Công ty May 10 cho rằng, hiện tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra rất phổ biến khiến.
Điều này dẫn đến việc hàng triệu công nhân lao động thiếu hoặc mất việc làm. Thu nhập thấp, cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhiều công nhân lao động phải vay “tín dụng đen”.
Chị Hồng cho biết, chưa khi nào người lao động mong muốn được đi làm như bây giờ.
Nữ công nhân này đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công để tạo việc làm mới, bền vững, đảm bảo người lao động có mức lương đủ sống.
Thảo luận