"Các Chính phủ huyển tiếp của Burkina Faso và Mali... cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào chống lại Niger sẽ tương đương với lời tuyên bố chiến tranh chống lại Burkina Faso và Mali", - tuyên bố chung có đoạn viết.
Ngoài ra, chính phủ của hai quốc gia này còn đe dọa sẽ rút khỏi Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS). Trước đây tổ chức này đã cho Niger một tuần để đưa Tổng thống Mohamed Bazoum trở lại nắm quyền, đe dọa sử dụng "mọi biện pháp", kể cả quân sự.
Guinea lại ra mặt ủng hộ chính quyền mới của Niger, trở thành quốc gia đầu tiên giữ quan điểm này. Các nhà chức trách quân sự của Guinea bày tỏ hy vọng rằng chính phủ mới của Niger sẽ làm mọi việc để đảm bảo ổn định và hòa hợp trong nước và khu vực nói chung.
CNRD (Ủy ban phát triển và tập hợp quốc gia - Chính phủ Guinea) cũng lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt do Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) kêu gọi áp dụng, trong đó có can thiệp quân sự, không thể là "giải pháp cho vấn đề hiện tại, nhưng lại có thể dẫn đến thảm họa nhân đạo mà hậu quả của nó có thể vượt ra ngoài biên giới của Niger".
Chính quyền Guinea phản đối việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với người dân và chính quyền Niger, kêu gọi ECOWAS nên có "tình cảm tốt hơn".
Thứ Tư tuần trước, phe quân sự ở Niger đã tổ chức một cuộc binh biến, lên đài truyền hình quốc gia tuyên bố phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum, đóng cửa biên giới và ban hành lệnh giới nghiêm. Trước đó Lực lượng bảo vệ Tổng thống đã phong tỏa Dinh Tổng thống ở thủ đô Niamey.
Ông Bazoum vẫn đang bị quản thúc tại nơi ở. Như Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cho biết, mọi việc đối với người đứng đầu Niger vẫn ổn và ông ấy vẫn khỏe mạnh.
Thứ Sáu tuần trước tướng Tchiani, chỉ huy Lực lượng bảo vệ Tổng thống xuất hiện trên truyền hình quốc gia với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc do những người tham gia đảo chính thành lập.