Thương vụ Việt Nam tại Canada nêu ra các hình thức lừa đảo phổ biến là: gọi điện trực tiếp, email (đuôi email miễn phí như Gmail, Hotmail…) hoặc thông qua các ứng dụng Whatsapp, Viber để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, thậm chí gửi cả chứng nhận ngân hàng (tài khoản, số dư); chứng nhận nộp thuế… để xác nhận uy tín; sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng (thường yêu cầu giá CIF), đóng dấu đầy đủ, theo Thanh Niên.
Khi doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu một số loại chứng nhận (thường là không tồn tại), thậm chí gửi bản mẫu các chứng nhận này cho doanh nghiệp Việt Nam.
Các đối tượng lừa đảo xuất khẩu khẳng định đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện của Chính phủ Canada hoặc chính quyền phủ, tỉnh, bang trước khi chuyển tiền.
Sau đó, các đối tượng sẽ giới thiệu một luật sư hoặc người môi giới để hỗ trợ hoặc thay mặt doanh nghiệp Việt Nam làm các chứng nhận này tại các cơ quan công quyền Canada.
Các luật sư, người môi giới (cũng dùng email miễn phí) cho số tài khoản để chuyển phí, thường khoảng 1.000 USD Canada/chứng nhận (giá làm nhanh trong khoảng 3 ngày).
Để tăng độ tin cậy, các đối tượng lừa đảo xuất khẩu còn chấp nhận ký hợp đồng giá FOB, xử lý tranh chấp tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam, thanh toán trước 50%. Số tiền còn lại thanh toán nốt khi có giấy tờ chứng nhận hàng đã xếp lên tàu; chấp nhận gửi thư ưng thuận của ngân hàng (BCL) hoặc thư tín dụng dự phòng (SBLC).
Thương vụ Việt Nam tại Canada cảnh báo, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, khi các doanh nghiệp Canada đề nghị bên xuất khẩu tự đứng ra làm các chứng chỉ của Canada và coi đây là yêu cầu bắt buộc của giao dịch thì hầu hết đều là lừa đảo xuất khẩu. Vì các doanh nghiệp nhập khẩu thường sẽ đứng ra thực hiện các thủ tục ở sở tại. Các chứng chỉ như Canadian Anti-Terrorist Clearance Certificate, Canadian Food Inspection Agency, Canada Border Services Agency… đều không có thật.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, hiện nay còn có một số vụ việc tranh chấp thanh toán liên quan đến chất lượng.
Theo đó, một số doanh nghiệp Canada nhập hàng theo cơ chế thanh toán LC (thư tín dụng của ngân hàng) trả chậm. Sau khi hàng được giao đầy đủ, đúng số lượng, chất lượng theo hợp đồng, bên nhập hàng dỡ hàng, tự thuê kiểm định không theo thoả thuận thuê bên thứ ba kiểm định và không chấp nhận kiểm tra ngẫu nhiên mẫu qua video call; cố ý không thanh toán phần chậm trả.
Không chỉ riêng ở Canada, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York (Hoa Kỳ) từng phát đi cảnh báo về việc giao dịch thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác tại thị trường Hoa Kỳ. Theo cảnh báo của cơ quan này, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại trong việc thực hiện hợp đồng thương mại với đối tác tại thị trường Hoa Kỳ, chủ yếu do bị lừa, hoặc đối tác phá sản, không có khả năng thanh toán.
Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) cũng cảnh báo đối với các hành vi lừa đảo, gian lận thương mại của một số doanh nghiệp có trụ sở tại quốc gia này. Cơ quan này đã đưa ra danh sách một số doanh nghiệp như: Green Light Foodstuff Trading LLC, Climax General Trading LLC, Loyalpur General Trading LLC, Choice Global FZC/Vital Fresh General Trading LLC, International Dragon Food Trading LLC (IDP)…
Thương vụ tại Hà Lan cũng đã đưa ra lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên Internet.
Tại thị trường châu Phi, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria, Algeria và Maroc… cũng thường xuyên gửi thông tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo. Cụ thể: Công ty FISHERLAB SARL, địa chỉ tại số 13 AHMED EL MAJJATI RES ALPES ETG01 N ° 08 MAARIF CASABLANCA 20100, Ma rốc.
Thương vụ Việt Nam tại Italia cũng đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp cần cảnh giác khi ký kết hợp đồng và lựa chọn phương thức thanh toán, bởi đã xuất hiện nhiều trường hợp đối tác Italia không trả tiền hàng, không giao hàng hoặc dùng địa chỉ giả mạo. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý khi ký kết hợp đồng và lựa chọn phương thức thanh toán an toàn. Đặc biệt, doanh nghiệp cần thường xuyên liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại để phối hợp xác minh tính chính xác thông tin đối tác, tránh bị lừa đảo.
Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm Benin từng gửi cảnh báo đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung và xuất khẩu hàng đồ uống nói riêng về trường hợp Công ty Hi-Profile International General Trading Co. có biểu hiện không uy tín trong giao dịch nhập khẩu, trốn tránh trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng đã ký kết.
Để tránh rủi ro, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc, kiêm nhiệm Benin cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt lưu ý cẩn thận với các hợp đồng thương mại ba bên, bao gồm qua trung gian và/hoặc một đối tác ký hợp đồng sau đó bán cho bên thứ ba với tư cách ủy thác nhận hàng.
Trong hợp đồng ba bên, dù khách hàng chuyển cọc cao vẫn không triệt tiêu được rủi ro. Khi đối tác ký hợp đồng trở mặt sẽ rất khó kiểm soát đầu nhận hàng do vướng nhiều quy định, tập quán. Bởi vậy, việc nắm rõ thông tin bên nhận hàng là yếu tố sống còn trong các thương vụ dạng này.