Mở màn bằng chiến thắng thuyết phục
“Cuối 1964, Mỹ đang triển khai chiến lược "Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam với 3 trụ cột: Xây dựng chính quyền Việt Nam Cộng hoà mạnh (VNCH); quân đội VNCH mạnh và thiết lập hệ thống ấp chiến lược để bình định miền Nam. Tuy nhiên, ba trụ cột trên Mỹ đều không đạt được. Khả năng cao chiến lược "Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ có nguy cơ thất bại".
“Đêm 31/7 - rạng sáng 1/8/1964, Mỹ đã bắt đầu cho tàu khu trục Maddox xâm phạm 8 hải lý trong vùng lãnh hải của VNDCCH. Rõ ràng, VNDCCH phải bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do vậy, Hải quân Nhân dân Việt Nam quyết định đưa lực lượng đánh đuổi tàu Mỹ xâm phạm hải phận Việt Nam”, Đại tá - PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
“Ngày 2/8/1964, cuộc đụng độ đầu tiên giữa Hải quân Việt Nam và với tàu chiến Mỹ trên Vịnh Bắc Bộ. Phía Mỹ bắn trả Hải quân Việt Nam khiến một tàu trong phân đội bị hư hỏng. Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng đánh đuổi chúng ra khỏi hải phận, khiến mưu đồ của Mỹ chưa đạt được”, Đại tá - PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm.
“Chính quyền Tổng thống Mỹ Johnson lúc đó ra quyết định dựa vào báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ - ném bom bắn phá miền Bắc. Phía Việt Nam cũng chắc chắn rằng Mỹ sẽ có phản ứng nên lãnh đạo quân đội và các địa phương, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Hải quân, các lực lượng Phòng không - Không quân được lệnh sẵn sàng chiến đấu", chuyên gia nhấn mạnh.
“Sự kiện ngày 5/8/1964 là sự kiện Mỹ bắt đầu tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng cuộc ném bom quy mô lớn. Mỹ cho rằng họ có quyền đáp trà sự tiến công của Việt Nam. Sự kiện này sau chính là Ngày truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam đương đầu với Hải quân hùng mạnh của Mỹ”, Đại tá - PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà chỉ ra.
"Lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều"
“Trong quá trình từ 8/1964 - 2/1965, Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rõ chắc chắn Mỹ sẽ mở một cuộc tiến công “Chiến tranh phá hoại” miền Bắc bằng không quân và hải quân. Vì vậy, quân và dân Việt Nam đã chuẩn bị rất đầy đủ, tập trung tất cả lực lượng ở miền Bắc triển khai thế trận “Chiến trận phòng không nhân dân”, Đại tá - PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà phân tích.
“Tầng cao (không quân) khuấy đảo đội hình, thậm chí không chiến với không quân Mỹ. Tên lửa gồm rađa phát hiện tên lửa địch sẽ bắn trả. Khi máy bay Mỹ bay thấp xuống gặp ngay pháo cao xạ các cỡ của quân đội Việt Nam, thấp xuống nữa - súng bộ binh. Bốn tầng "lưới lửa” được bố trí ở các vị trí hiểm yếu".
“Cả miền Bắc lúc bấy giờ chuyển từ thời bình sang thời chiến, xây dựng thế trận phòng không nhân dân để đánh trả lại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân và hải quân. Chính vì thế, khi Mỹ bắn phá miền Bắc ngày càng sâu thì các lực lượng phòng không của quân đội Việt Nam tập trung đánh trả, bảo vệ mục tiêu, đồng thời bắn rơi nhiều máy bay Mỹ và bắt sống giặc lái", Đại tá - PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.