5 bệnh viện này sẽ được định hướng phát triển ngang tầm một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có hệ thống chăm sóc sức khỏe ngang ngửa với Singapore, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản…
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn và đầy tiềm năng của du lịch y tế. Trình độ y bác sĩ, năng lực phục vụ ở nhiều cơ sở y tế Việt Nam được công nhận về chất lượng cũng như chi phí khám chữa bệnh rất cạnh tranh.
Nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt ở Việt Nam
Bộ Y tế vừa nêu đề xuất nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt tại Việt Nam.
Cụ thể, trong bản quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất đầu tư, nâng cấp 5 bệnh viện thành bệnh viện hiện đại, ngang tầm một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có hệ thống chăm sóc sức khỏe ngang tầm Singapore, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản.
5 bệnh viện hạng đặc biệt dự kiến được nâng cấp gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Quân đội 108, Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế.
Bộ Y tế lý giải, việc nâng cấp 5 bệnh viện nhằm giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, bác sĩ Việt Nam hiện đã và đang làm chủ nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua các nước khác.
Ông Khuê dẫn chứng điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán...
“Sự phát triển về kỹ thuật y tế này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị”, - PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay.
Theo ông Khuê, một số bệnh viện lớn của Việt Nam thời gian qua đã thu hút nhiều người nước ngoài đến thăm khám, điều trị...
“Chưa kể, thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng lại không thua kém”, - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Như Sputnik đã thông tin trước đó, Việt Nam đang được xem là điểm đến ưu thích của nhiều du khách với việc kết hợp vừa du lịch, vừa khám chữa bệnh.
“Việt Nam hiện cung cấp các dịch vụ y tế giá cả phải chăng với mức giá thấp hơn khoảng 10% so với ở Mỹ”, - ông Martin Koerner, Giám đốc Thương mại Tập đoàn điều hành khu nghỉ dưỡng cao cấp The Anamkhẳng định.
Tăng số lượng bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng
Ngoài nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt, Bộ Y tế cũng dự kiến xây dựng mới một số bệnh viện cấp quốc gia.
Trong đó, nhà chức trách sẽ đầu tư 1 bệnh viện đa khoa tuyến cuối của vùng Tây Nguyên, xây mới Bệnh viện Đa khoa trung ương Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk, Bệnh viện Nội tiết trung ương TP.HCM và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình trung ương Cần Thơ. Như vậy, Việt Nam sẽ có thêm 3 bệnh viện cấp quốc gia.
Trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia, Bộ Y tế cũng đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng.
Trong đó có 20 bệnh viện đa khoa, bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới ở vùng có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến trung ương (Trung du và miền núi phía Bắc) và vùng có mật độ dân số cao (đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ), 20 bệnh viện chuyên khoa.
Bộ Y tế lưu ý, định hướng phát triển khu vực y tế ngoài công lập tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân đạt 10% tổng số giường bệnh cả nước vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 35 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3,4 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân.
Đến năm 2030 tăng lên 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng; năm 2050 là 45 giường bệnh, 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ đại học, 90 điều dưỡng.
Thực tế, so với kế hoạch đề ra đến năm 2025 thì đây là con số chênh lệch rất lớn.
Đơn vị thực hiện quy hoạch của Bộ Y tế cho biết, về nguồn lực, cần tăng quy mô đào tạo của các trường đại học y dược để đảm bảo nhu cầu về số lượng nguồn nhân lực là bác sĩ và điều dưỡng còn thiếu hụt ở giai đoạn đến năm 2030 và đặc biệt là đến năm 2050 khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập cao.
Tăng số giường bệnh
Bộ Y tế cũng dự báo giường bệnh cho thấy nhu cầu giường bệnh sẽ tiếp tục tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm 92.500 giường bệnh, trong đó số giường bệnh của bệnh viện cấp quốc gia cần bổ sung thêm khoảng 8.700 giường bệnh.
Theo quy hoạch việc đầu tư mở rộng quy mô giường bệnh, đơn vị soạn thảo dự kiến với sự thay đổi về quy mô dân số và sự gia tăng của tỷ lệ dân số già, ước tính số lượng giường bệnh của các bệnh viện tuyến trung ương đến năm 2030 cần phải đầu tư bổ sung tổng số là 5.000 giường bệnh và đến năm 2050 sẽ phải đầu tư thêm 10.000 giường bệnh.
Trong đó suất vốn đầu tư cho bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương dự tính trung bình là hơn 4,4 tỷ đồng/giường bệnh, bao gồm gần 2,2 tỷ đồng chi phí xây dựng và hơn 2 tỷ đồng chi phí thiết bị.
Mỗi suất vốn đầu tư bao gồm chi phí xây dựng các công trình khám, điều trị bệnh nhân (ngoại trú, nội trú, phòng mổ, xét nghiệm, khoa dược…) và các công trình phục vụ (bếp, kho, nhà để xe, khu hậu cần…) và chi phí trang thiết bị y tế hiện đại và đồng bộ phục vụ khám, chữa bệnh, phục vụ sinh hoạt, nghỉ ngơi của nhân viên, bệnh nhân.
Riêng đối với bệnh viện trọng điểm tuyến trung ương cần đảm bảo trang bị trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ phù hợp với vị trí là bệnh viện tuyến cuối. Ngoài việc phục vụ chữa trị các bệnh nặng với các chuyên khoa sâu còn đảm bảo vai trò trung tâm chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện tuyến dưới.
Dự kiến, nguồn đầu tư sẽ từ các nguồn như nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả ngân sách trung ương và địa phương), nguồn ODA, nguồn đóng góp của các nhà tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.