Phương Tây thắt chặt chi tiêu, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh

Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam giảm do những khó khăn chung của thị trường thế giới.
Sputnik
Bộ Công Thương đang nỗ lực đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tăng xuất khẩu đối với hàng hoá Việt Nam.

Xuất nhập khẩu bắt đầu có tín hiệu khởi sắc

Bộ Công Thương vừa có báo cáo thống kê về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 7 tháng đầu năm 2023.
Theo Bộ Công Thương, với các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 đã có những tín hiệu tích cực.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước.
Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2023, do những khó khăn chung của thị trường thế giới từ đầu năm nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó xuất khẩu giảm 10,6%; nhập khẩu giảm 17,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD.
Nêu con số cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, về xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 7, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 0,8% so với tháng trước, ước đạt 29,68 tỷ USD.
Tháng 7 cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai kể từ tháng 11/2022 đến nay (chỉ thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của tháng 3/2023, đạt 29,71 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,76 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,92 tỷ USD, tăng 1,7%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 giảm 3,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 3,2%.
Giá gạo Việt bùng nổ: Bộ Công Thương ra văn bản chỉ đạo hoả tốc
Theo Bộ Công Thương, động lực chính cho sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7 đến từ nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch tăng 1,1% so với tháng trước, ước đạt 25,12 tỷ USD, chiếm 84,65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chính có xu hướng tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ…
Dẫn chứng, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 7/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 1,1 tỷ USD, đưa kim ngạch 7 tháng lên 7,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản trong tháng 7/2023 ước đạt 369 triệu USD, tăng 8,7% so với tháng trước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 7/2023 chững lại so với tháng trước (giảm nhẹ 0,9%), nhưng vẫn tăng tới 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,5 tỷ USD, giảm 10,2%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,23 tỷ USD, giảm 10,8%, chiếm 73,6%.
Trong 7 tháng năm 2023, Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,6%).

Xuất siêu mạnh

Ở chiều ngược lại, nhu cầu hàng hóa của thế giới giảm cũng ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam, theo Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, nhờ những tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 7 nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước.
Dù vậy, do chịu suy giảm từ đầu năm nên tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 64,1 tỷ USD, giảm 16,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 115,4 tỷ USD, giảm 17,7%.
Trong 7 tháng năm 2023 có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 37,9%).
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 7 tiếp tục xuất siêu khoảng 2,15 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 7 tháng năm 2023 là 15,23 tỷ USD, gấp hơn 11 lần so với mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước (xuất siêu 1,34 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc

Ngành gỗ chờ bùng nổ

Dù kim ngạch xuất khẩu gỗ chưa thể tăng mạnh song con số kim ngạch của tháng 7/2023 đã gần ngang bằng với kim ngạch của tháng 7/2022, cho thấy tín hiệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã dần phục hồi.
Ông Trịnh Đức Kiên – Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ chia sẻ, đây không phải lần đầu doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó vì trước đây doanh nghiệp cũng đã phải đối diện với nhiều khó khăn.
Ông Kiên bày tỏ, doanh nghiệp đều hiểu là sẽ có những chu kỳ nhất định và sau mỗi một giai đoạn khó khăn sẽ là một chu kỳ phát triển mới. Khó khăn kéo dài bao lâu không thể nói trước được, nhưng đến thời điểm nào đó sẽ phải qua và doanh nghiệp phải chuẩn bị, duy trì “sức khỏe” đến thời điểm đó. Chắc chắn sau đó nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên.

“Chúng tôi đang chuẩn bị để đến thời điểm giữa quý 2/2024, thị trường sẽ bùng nổ trở lại. Chúng tôi đang mở rộng gấp đôi nhà xưởng tại Bắc Kạn để tăng quy mô sản xuất”, lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ.

Ông Trịnh Đức Kiên cũng cho rằng, đây là thời điểm tốt để đánh giá năng lực của mình, phải tự động hóa nhiều công đoạn.
“Chúng tôi sẽ đầu tư máy móc để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng thời gian giao hàng, giảm chi phí sản xuất”, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ nói.
Theo bà Đào Thị Thanh Thúy, Giám đốc điều hành Công ty Sản xuất Thương mại và Xây dựng Thiên Phát bày tỏ với VietnamPlus/TTXVN, thông thường mọi năm, tới dịp 30/4 và 1/5 phải xếp lịch mới được nghỉ lễ, còn nửa đầu năm nay, thậm chí ngày bình thường cũng nghỉ xen kẽ do lượng đơn hàng giảm.
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, ở Việt Nam tình hình vẫn ổn

Đối tác của Việt Nam thắt chặt chi tiêu

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều suy giảm trong 7 tháng vừa qua. Điển hình như tại thị trường Mỹ giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, thị trường EU giảm 9,9%; ASEAN giảm 9,6%; Hàn Quốc giảm 8,8%; Nhật Bản giảm 3,5%.
Bộ Công Thương đã lý giải nguyên nhân xuất nhập khẩu và đơn hàng của Việt Nam giảm:
“Nguyên nhân của sự suy giảm xuất nhập khẩu trong 7 tháng qua là do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm”.
Đại diện Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn gặp phải những khó khăn, thách thức lớn.
Với các khách hàng truyền thống thì mức độ suy giảm khoảng 30-40% còn một số doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì các đơn hàng nhỏ gần như là chưa có tín hiệu khả quan.
Đánh giá tình hình chung, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, giai đoạn vừa qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu mà nổi lên trong đó là xung đột Nga-Ukraina. Trong khi đó hậu quả của đại dịch COVID-19 kéo dài dẫn tới hệ lụy làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, đặc biệt là sức mua tại một số thị trường chủ lực giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng do đây là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như may mặc, da giày, đồ gỗ…của Việt Nam.
Cùng với đó, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm trong 7 tháng năm 2023, trong đó giá nhiều mặt hàng nông sản như nhân điều, chè, hạt tiêu, cao su… đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái (như: hạt tiêu giảm 28,4%; cao su giảm 20,6%).
Bộ này cũng cho biết, giá xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam cũng giảm mạnh ở mức hai con số như: dầu thô giảm 25,2%; xăng dầu các loại giảm 16,9%; Phân bón các loại giảm 36,2%; Chất dẻo nguyên liệu giảm 25,2%; Xơ, sợi dệt các loại giảm 23%; Sắt thép các loại giảm 24,8%...
“Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam”, Bộ lưu ý.
Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng.
Cú quay xe đảo chiều tăng trưởng: Vì sao hàng hoá Việt Nam tắc đường ra thế giới?

Tăng xuất khẩu hàng hoá

Thời gian tới, Bộ Công Thương đang nỗ lực đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Bộ cũng cho biết về việc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Thêm vào đó là tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại. Bộ Công Thương nỗ lực đẩy mạnh hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện, đồng thời, kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
Thảo luận