Dân mua ồ ạt hàng Trung Quốc, Việt Nam muốn sản xuất camera make in Vietnam

Thị trường camera ở Việt Nam hiện còn dư địa lớn, tiềm năng cao. Thế nhưng, trong số hơn 5 triệu camera nhập khẩu vào Việt Nam mỗi năm, hơn 90% lại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Sputnik
Điều này đặt ra vấn đề, nếu các thông tin từ camera giám sát không được bảo mật an toàn thì việc bí mật kinh doanh, công nghệ sản xuất, nghiên cứu phát triển bị lộ lọt là có thể xảy ra.
Đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, Việt Nam rất cần các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam, trong đó có camera an toàn, bảo mật do Việt Nam tự sản xuất để xây dựng đô thị an toàn, thông minh.

Nhu cầu camera ở Việt Nam là rất cao

Globe News Wire ghi nhận, trong năm 2023, giá trị thị trường camera an ninh toàn cầu ước đạt 12,83 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2032, thị trường này sẽ cán mốc 41,32 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 13,9%.
Nhu cầu camera tại Việt Nam hiện có quy mô rất lớn, khoảng hơn 150 triệu chiếc, trong đó 40% là camera hạ tầng, 30% camera thương mại và 20% camera gia đình, số còn lại là các loại khác. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu camera, chủ yếu là camera gia đình và doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường camera hạ tầng vẫn còn sơ khai, dư địa còn lớn.
Theo Phó Tổng giám đốc MobiFone Global Hoàng Quốc Huy, trung bình ở Việt Nam chỉ có khoảng 2 camera/100 dân. Tỷ lệ này khá thấp so với các quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, tỷ lệ này là 15 camera/100 dân tại Mỹ và Trung Quốc.
Đã rõ lý do loạt camera an ninh tại Việt Nam có tin nhắn lạ
Trong bối cảnh thế giới tham gia xu hướng chuyển đổi số, nhu cầu của người dân trong việc sử dụng camera ngày càng lớn. Với khách hàng cá nhân, camera có thể dùng để giám sát người già, trẻ em, an ninh. Các khu công nghiệp dùng camera để giám sát các khu vực nội khu. Còn tại các thành phố, camera được ứng dụng để giám sát giao thông, an ninh trong khu phố.

"Hầu hết các loại camera đang sử dụng là của nước ngoài. Điều này mang đến những nguy cơ lớn cho an ninh quốc gia. Xu hướng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thúc đẩy việc phát triển sản xuất camera an ninh theo tiêu chuẩn Việt Nam, phục vụ cho người Việt. Do đó, tiềm năng của thị trường camera Việt Nam còn rất lớn, không chỉ về sản xuất thiết bị, mà còn là các công nghệ AI phù hợp với nhu cầu của người dùng Việt Nam", - ông Huy nhận xét.

Về phần mình, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ Pavana Nguyễn Trung Kiên cho biết, thị trường camera an ninh Việt Nam hiện đang tăng trưởng khoảng 12 - 13%/năm. Với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, các địa phương đã bắt đầu triển khai hệ thống camera cho hạ tầng công cộng.
Mặc dù vậy, trong số hơn 5 triệu camera nhập khẩu mỗi năm, hơn 90% trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nếu các thông tin từ camera giám sát không được bảo mật an toàn thì việc bí mật kinh doanh, công nghệ sản xuất, nghiên cứu phát triển bị lộ lọt là có thể xảy ra.
Theo ông Kiên, kiểm soát an toàn bảo mật của các camera an ninh không chỉ là sản xuất ở đâu, mà còn liên quan tới nhiều vấn đề khác. Việc thiết kế mạch điện tử, phần mềm điều khiển, truyền dẫn, hệ thống server quản lý cần được đặt tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt cạnh tranh thế nào?

Ông Nguyễn Trung Kiên cho biết, để có thể cạnh tranh, giành lại thị phần camera, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm 2 yếu tố. Thứ nhất, quy mô thị trường phải đủ lớn, đại trà; có nghĩa, doanh nghiệp cần tiếp cận ở thị trường toàn cầu. Thứ hai, cần có các chính sách bảo trợ của Nhà nước.

"Doanh nghiệp các nước làm sản phẩm gì trong giai đoạn đầu cũng cần sự bảo trợ, hỗ trợ của Nhà nước. Nếu doanh nghiệp có cả 2 yếu tố này thì sẽ phát triển rất tốt. Nếu không thì phải có một trong hai. Pavana đang kêu gọi sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời cũng hướng đến thị trường toàn cầu", - chuyên trang Đầu tư chứng khoán dẫn lời ông Nguyễn Trung Kiên.

Trong khi đó, Giám đốc bộ phận sản phẩm Bkav AI View Đoàn Mạnh Hà lạc quan cho rằng, dù camera Trung Quốc có ưu điểm giá rẻ, thị trường lớn, nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng sở hữu nhiều lợi thế để cạnh tranh.
Camera thông minh Make in Vietnam của FPT phát hiện người lạ bằng AI
Theo ông Hà, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang diễn giữa các quốc gia hàng đầu thế giới, Mỹ đã ban hành điều luật chính thức để hạn chế sử dụng thiết bị an ninh đến từ quốc gia bị cảnh báo an ninh. Đây có thể xem là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường quốc tế.
Ông Hà cho biết, nếu dùng camera Trung Quốc thì sẽ chuyển dữ liệu qua server Trung Quốc trước, rồi mới chuyển đến người sử dụng Việt Nam. Đây là vấn đề đáng lo ngại về bảo mật, lưu trữ, an toàn thông tin, an ninh quốc phòng.
Ông Hoàng Quốc Huy thì cho rằng, với các doanh nghiệp viễn thông, camera hiện đã khác ngày xưa, phải kết nối cáp đồng trục và mỗi hộ phải có một đầu thu, trong khi bây giờ là camera IP kết nối Internet.
Dịch vụ camera giờ đây gần giống như một dịch vụ viễn thông. Do cần phải có đường truyền kết nối, lưu trữ trên cloud, đây là thế mạnh của các nhà mạng. Doanh nghiệp nước ngoài không thể kết nối với các nhà mạng như các doanh nghiệp sản xuất camera trong nước.

Yêu cầu về bảo mật an toàn thông tin

Về phần mình, Phó tổng giám đốc VNPT Technology Nguyễn Việt Bằng đề xuất, camera là một thiết bị công nghệ tích hợp, vừa là thiết bị quang, thiết bị thu phát sóng, máy tính kết nối mạng, cũng là thiết bị IoT. Chính vì vậy, cần có tiêu chuẩn kỹ thuật cho camera giám sát tiêu thụ tại Việt Nam.
Cụ thể, cần ban hành tiêu chuẩn cho các phân khúc camera khác nhau như camera gia đình, camera công cộng, camera giao thông, camera dùng cho khối chính phủ. Đặc biệt, cần đảm bảo an toàn bảo mật, tuân thủ luật an ninh mạng.
Cốc Cốc ra mắt AI Chat và AI Search: Nỗ lực đưa Việt Nam lên bản đồ AI thế giới
Chẳng hạn, camera an toàn dùng cho khối chính phủ cần có nhiều mức bảo mật khác nhau: mã hóa dùng phần cứng (chip mã hóa chuyên dụng) trên camera, bảo mật phần mềm chống tấn công cài đặt phần mềm lạ, mã hóa luồng video nhằm chống bắt luồng trên đường truyền, mã hóa end-to-end…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Việt Nam rất cần các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam, trong đó có camera an toàn, bảo mật do Việt Nam tự sản xuất để xây dựng đô thị an toàn, thông minh.

"Bộ xác định vấn đề đảm bảo an toàn thông tin cho camera an ninh là tối quan trọng. Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn đối với thiết bị camera an ninh nhằm đảm bảo thiết bị được cung cấp trên thị trường đạt các tiêu chuẩn về an toàn, bảo mật", - ông Tuyên chia sẻ.

Ngày 26/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát.
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát và tuyên truyền; đồng thời, tiến hành phổ biến, tổ chức hướng dẫn áp dụng quy chuẩn kỹ thuật này. Theo chỉ thị này, thời hạn hoàn thành là tháng 11/2023.
Thảo luận