Đáng chú ý, theo các chuyên gia, trong quý II/2023, đồng tiền của Việt Nam đã có những biến động trái ngược với xu hướng yếu đi của Nhân dân tệ.
Giới quan sát cho rằng, lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục hạ nhiệt nhưng NHNN không nên giảm lãnh suất quá mạnh và cần lưu ý đến rủi ro biến động tỷ giá.
Lãi suất huy động tiếp tục giảm
Như Sputnik đã thông tin, sau 4 đợt hạ lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), mặt bằng lãi suất huy động hạ xuống đáng kể.
Chia sẻ mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ghi nhận đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.
Theo đại diện nhà điều hành, các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, với mức giảm khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.
NHNN cũng đã yêu cầu triển khai các yêu cầu về cơ cấu nợ, giãn nợ cho khách hàng, tiết tục cắt giảm các loại chi phí không cần thiết để hướng đến tiếp tục cắt giảm lãi suât cho vay. NHNN cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% toàn ngành.
Tại thời điểm cuối tháng 7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh lùi về mức 6,3%/năm, giảm 1,1 điểm % so với đầu năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,3% đến 7,0%/năm với mức trung bình khoảng 6,7%/năm, giảm gần 1,6 điểm % so với đầu năm.
Trong nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động giảm đáng kể nhất khoảng 0,3-0,7%/năm (trong tháng 7) ở một số ngân hàng như VIB, TPB, LPB, STB, SSB, VPB, SHB, OCB.
Ghi nhận trên thị trường chỉ trong mấy ngày đầu tháng 8, đã có một loạt các ngân hàng thương mại như Techcombank, TPBank, ACB, Eximbank, NCB, VietBank, ABBank, OceanBank, HDBank, Sacombank, VIB, VPBank, và BacA Bank tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động.
Dù vậy, hiện tại, với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu, kết quả thể hiện rõ với tăng trưởng tín dụng chậm lại. Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDS), nhờ nhiều chính sách hỗ trợ, tăng trưởng tín dụng đã có sự cải thiện nhẹ trong tháng 6 tuy nhiên vẫn còn khá chậm.
Trong khi đó, tăng trưởng cung tiền M2 cải thiện liên tục trong 3 tháng gần đây đã kéo khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng cung tiền M2 dần thu hẹp lại.
“Tăng trưởng tiền gửi của dân cư chậm lại trong tháng 6/2023 sau khi lãi suất huy động liên tục giảm thời gian gần đây đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh tiền gửi”, - đơn vị phân tích.
Dù tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế có sự phục hồi nhẹ trong tháng 6/2023 tuy nhiên vẫn ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Ghi nhận thêm từ báo cáo tài chính quý II của một số ngân hàng thương mại cho thấy, tỷ lệ huy động vốn CASA có tín hiệu tăng lên. Xu hướng này phản ánh tâm lý để tiền nhàn rỗi trong tài khoản của người dân có thể phục vụ nhu cầu chi tiêu nhưng nhiều hơn cũng có thể là sự sẵn sàng dịch chuyển dòng vốn sang tìm kiếm các kênh đầu tư ngoài tiết kiệm, khá rõ.
Sẽ có thêm đợt hạ lãi suất nửa cuối năm
Thông báo số 297/TB-VPCP ngày 31/7/2023 nêu kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Thủ tướng Chính yêu cầu NHNN chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt (tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường, cung tiền M2 kịp thời, hiệu quả khi cần thiết, tập trung tín dụng vào các động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu…).
Nhà điều hành cũng cần kịp thời, phối hợp đồng bộ, hiệu quả, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát.
“Điều hành cân bằng hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa lạm phát và tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh”, - Thủ tướng lưu ý.
NHNN cũng cần đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng và chương trình 120.000 tỷ đồng.
Như vậy, trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, vốn vay và tăng trưởng tín dụng còn thấp, hạ lãi suất vay vẫn đã và đang là xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục trong hệ thống ngân hàng những tháng cuối năm tại Việt Nam.
Theo VNDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023.
Điều này bắt nguồn từ một số nguyên nhân như tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN, tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong 6 tháng 2023 giúp giảm bớt áp lực huy động vốn, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và NHNN vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Riêng lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các NHTM đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng 2023 và NHNN ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
“Chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới”, - Diễn đàn doanh nghiệp dẫn quan điểm của bộ phận phân tích của VNDS lưu ý.
Áp lực tỷ giá tăng gia tăng
Thực tế, ngay sau khi Fed tăng lãi suất, đồng USD mạnh lên, ngay trong tháng 7, đã xuất hiện áp lực tỷ giá USD/VND.
Tỷ giá giao dịch liên ngân hàng tại ngày 24/7/2023 ở mức 23.678 (tăng 0,4% so với thời điểm cuối tháng 6). Cuối phiên giao dịch 4/8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 22 đồng, mức 23.825 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 24.966 đồng. Giá mua USD tại các ngân hàng hiện nằm trong khoảng 23.503 – 23.605 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.905 - 23.953 VND/USD.
Chứng khoán VNDirect cho rằng, có một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023.
Trong đó, có lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý 3/2023.
Tuy vậy, VNDS nhấn mạnh, tỷ giá VND vẫn sẽ được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại duy trì mức cao, FDI và kiều hối ổn định, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ, Việt Nam hiện duy trì lãi suất thực cao.
“Nhìn chung, chúng tôi cho rằng tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá +/- 2,0% so với đầu năm 2023”, - VNDS bày tỏ.
NHNN không nên giảm lãi suất quá mạnh
Mới đây, bộ phận phân tích từ ngân hàng Shinhan Bank cũng cảnh báo nguy cơ VND mất giá trong quý III, khuyến nghị NHNN không nên giảm lãi suất quá mạnh.
“Việt Nam đang đối mặt với một loạt thách thức, từ suy thoái kinh tế toàn cầu, thắt chặt tiền tệ ở các nước phát triển cũng như rào cản công nghệ của doanh nghiệp trong nước”, - báo cáo của Shinhan Bank nhấn mạnh.
Ông Pail Seok Hyun, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Trung tâm giải pháp và giao dịch- Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc - dự báo, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ chịu áp lực tăng trong ngắn hạn do nhu cầu toàn cầu chậm lại, các chỉ số của nền kinh tế Trung Quốc không được như kỳ vọng và đồng Nhân dân tệ yếu đi.
“Trong những tháng gần đây, quá trình phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc mất đà, lĩnh vực sản xuất yếu kém đang tạo gánh nặng lên VND”, - chuyên gia lưu ý.
Đại diện ngân hàng cũng dự báo tỷ giá USD/ VND sẽ tăng trong ngắn hạn và quay đầu giảm với kỳ vọng Trung Quốc điều chỉnh các chính sách kinh tế của mình và lĩnh vực sản xuất toàn cầu thoát khỏi đáy và phục hồi.
Shinhan Bank dự báo NHNN có thể hạ lãi suất hơn nữa do nền kinh tế Việt Nam cần được thúc đẩy trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp thắt chặt, hoạt động cho vay trở nên thận trọng và lĩnh vực sản xuất còn yếu. Ngoài ra, việc lạm phát Việt Nam hạ nhiệt cũng ủng hộ quyết định cắt giảm lãi suất của NHNN.
Tuy vậy, Shinhan Bank lưu ý Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có lẽ cần tránh tiếp tục cắt giảm mạnh lãi suất do xuất khẩu còn yếu, vẫn còn tồn tại các ngân hàng yếu kém và dự trữ ngoại hối suy giảm.
Một số dự báo tỷ giá USD/VND 2023 của các tổ chức lớn, trong đó: ANZ cho rằng quý 4/2023 tỷ giá sẽ ở mức 23.250đ/USD (tức hạ nhiệt so với hiện tại), trong khi Mizuho Bank dự báo tỷ giá USD/VND quý 4/2023 sẽ là 23.800đ/USD...
Shinhan Bank dự báo trung bình năm, tỷ giá USD/VND sẽ chỉ quanh mức 23.547đ/USD, tức trong khoảng 23.400-23.700đ.