Sáng 7/8, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ kiểm tra tình hình sạt lở ở Đắk Nông.
Về nguyên nhân, ông Hiệp cho rằng năm nay lượng mưa không lớn nhưng lại cấp tập vào một thời điểm. Tháng 7/2023, lượng mưa tại Đắk Nông cao gấp 1,5 lần năm 2022 và cao hơn gấp đôi so với trung bình nhiều năm, dẫn đến những hậu quả như vừa qua.
Sau buổi kiểm tra, đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông để đánh giá nguyên nhân, tìm các giải pháp để khắc phục các sự cố sạt lở, ngập lụt như vừa qua.
Theo đó, về phương án khắc phục, ông Hiệp đề nghị tỉnh công bố các trường hợp thiên tai khẩn cấp để sớm khắc phục các điểm sạt lở, sạt trượt.
Về phương án xử lý thì ban chỉ đạo phải đánh giá từng công trình, làm việc với từng địa phương.
Về đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi, theo ông Hiệp, việc đầu tiên là phải di dân ở những vùng khẩn cấp.
"Tiếp đó là phải tiến hành khảo sát, đánh giá, kiểm định lại các công trình để có giải pháp xử lý cho từng công trình", ông Hiệp nói.
Về lâu dài, phải tính toán, khảo sát lại để lập bản đồ sạt lở cho cả nước, ưu tiên Tây Nguyên thực hiện trước. Sẽ có một bản đồ sạt lở chi tiết hơn và trên đó có những cảnh báo các cấp độ khác nhau.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện gửi các bộ, ban, ngành về việc tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây Nguyên.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành: khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập, sạt lở, sụt lún đất, nhất là ở Lâm Đồng và Đắk Nông.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, nếu thiếu trách nhiệm, để xảy ra sự cố mất an toàn hồ đập, gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phân công một thứ trưởng: chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, và Xây dựng; khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng ngừa, khắc phục thiên tai tại khu vực Tây Nguyên, đồng thời cử chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông nghiên cứu, đánh giá về mức độ an toàn của các hồ: Đông Thanh, Đắk N'Ting; để có biện pháp xử lý bảo đảm an toàn.