VNEID - bước đột phá trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam

VNEID là bước đột phá trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử, số hóa quản lý xã hội, số hóa quản lý công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú, lưu trú trên lãnh thổ Việt Nam; một xu thế chung của thế giới hiện đại với công nghệ 4.0.
Sputnik
Từ ngày 2/8/2023, tại Việt Nam, quy định sử dụng tài khoản định danh điện tử (mã VNEID) của hành khách đi các chuyến bay nội địa chính thức có hiệu lực.
Liên quan tới chủ đề VNEID, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Đại tá công an Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an.

Về định danh điện tử của Việt Nam

Sputnik: Thưa Đại tá Nguyễn Minh Tâm, mã VNEID là gì?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an:
VNEID là viết tắt của cụm từ “Việt Nam Electronic Identification”, có nghĩa là định danh điện tử của Việt Nam. Đây chính là mã định danh điện tử được gắn kèm theo một chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân để chứng minh danh tính và thực hiện các giao dịch điện tử an toàn và tiện lợi. Nó hoạt động trên phần mềm ứng dụng nền tảng thiết bị số do Bộ Công an Việt nam thiết lập và phát triển để phục vụ hoạt động định danh điện tử và xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử; phát triển các tiện ích để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây là bước đột phá trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử, số hóa quản lý xã hội, số hóa quản lý công dân Việt Namvà người nước ngoài cư trú, lưu trú trên lãnh thổ Việt Nam; một xu thế chung của thế giới hiện đại với công nghệ 4.0.
Theo Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày /11/2023, mỗi công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú, lưu trú, lưu trú trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được cấp một tài khoản định danh điện tử riêng với ít nhất 5 trường thông tin (đối với công dân Việt Nam) và 6 trường thông tin (đối với người nước ngoài cư trú, lưu trú, lưu trú trên lãnh thổ Việt Nam).

Việc sử dụng VNEID

Sputnik: VNEID được sử dụng như thế nào?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an:
Muốn kích hoạt tài khoản VNEID, người dùng phải nạp mật khẩu (mã OTP do người dùng tự đặt) để truy cập vào hệ thống.
Tài khoản VNEID được kích hoạt ở 2 mức độ:
Mức độ 1: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu tự động trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với người nước ngoài, tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin đã được so sánh, đối chiếu trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, trừ ảnh chân dung và vân tay;
Mức độ 2: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Việc chọn mức độ sử dụng tài khoản định danh điện tử do người dùng tự quyết định.
Việt Nam triển khai VNeID ở tất cả các sân bay

Những lợi ích có được nhờ VNEID

Sputnik: Những lợi ích tài khoản định danh điện tử mang lại là gì, thưa Đại tá?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an:
Khi sử dụng dụng tài khoản định danh điện tử, người dân sẽ có những lợi ích như tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Khác biệt với thẻ Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử sẽ được xác thực thông tin trên môi trường điện tử. Công dân có thể thay thế Căn cước công dân và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia, như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế... và bây giờ là lên tàu bay, sắp tới sẽ là tàu hỏa. Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo. Ngoài ra, người dùng VNEID cũng có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử cá nhân của mình để thực hiện các giao dịch tài chính, như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền...
Trước đây, khi muốn ra tàu bay để thực hiện chuyến bay thì ngoài vé và thẻ lên tàu bay hành khách phải xuất trình Căn cước công dân 3 lần. Lần thứ nhất ở bộ phận check-in. Lần thứ hai ở cửa kiểm sát an ninh. Lần thứ hai ở cửa ra sân bay để lên tàu bay. Mỗi lần như vậy, nhân viên an ninh và nhân viên hàng không phải đối chiếu kiểm tra bằng mắt thường và thiết bị soi chiếu để hiển thị và xác thực thông tin. Thông thường, thời gian kiểm tra và xác thực mỗi lần của một hành khách vào khoảng 2 đến 3 phút tùy từng trường hợp.
Khi ngành hàng không đưa vào hệ thống quét mã QR Code được tích hợp trên điện thoại di động thế hệ 3G trở lên, hành khách chỉ cần kích hoạt trước mã VNEID của mình để hiển thị QR Code của riêng mình, máy quét sẽ nhanh chóng nhận dạng mã QR Code của hành khách và đưa ra kết quả xác thực/không xác thực trong vòng không quá 15 giây, rất tiện lợi và tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức để làm các thủ tục check-in, kiểm tra an ninh và lên tàu bay so với việc xác thực bằng phương pháp thủ công.
Về lâu dài, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn mua sắm thiết bị kiểm tra tài khoản VNEID, phân biệt được tài khoản thật và tài khoản giả mạo; kết hợp đầu tư hệ thống xác thực sinh trắc học theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, thủ tục cấp phép thiết bị đó kết hợp xác thực căn cước công dân, VNEID, hệ thống định danh theo hướng dẫn của Bộ Công an (hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công an); hệ thống xác thực phù hợp tiêu chuẩn và hướng dẫn của ICAO tại Annex 9, Doc 9303 và các tiêu chuẩn, hướng dẫn khác của ICAO.
Bộ Công an đề xuất đổi mẫu CCCD mới, 80 triệu thẻ căn cước đã cấp sẽ ra sao?

Những vấn đề người sử dụng cần biết

Sputnik: Đại tá có thể cho biết, những gì có thể là vấn đề và làm thế nào để giải quyết?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an:
Vấn đề đầu tiên mà hành khách cần lưu ý là điện thoại dùng để truy cập VNEID của họ phải được kích hoạt ở mức độ 2 vì các thông tin ở mức độ 1 không đủ để xác thực định danh điện tử của họ. Trong trường hợp hành khách chỉ kích họa ở mức độ 1, họ vẫn phải dùng thẻ Căn cước công dân để xác thực.
Vấn đề thứ hai là người dùng VNEID bằng điện thoại di động để xác thực nhân thân khi sử dụng dịch vụ bay phải ghi nhớ chính xác mật khẩu truy cập tài khoản định danh điện tử của mình. Đã xảy ra trường hợp một vài hành khách quên mật khẩu (mã OTP) hoặc nhầm lẫn giữa mã OTP dùng để truy cập tài khoản ngân hàng với mã OTP xác thực định danh điện tử. Những hành khách này buộc phải sử dụng phương pháp thủ công để xác thực nhân thân khi làm các thủ tục cho chuyến bay của mình.
Vấn đề phân biệt tài khoản định danh điện tử thật và tài khoản giả cũng được đặt ra. Trong thời gian ngắn trước mắt, các thiết bị xác thực sinh trắc học sẽ được nhanh chóng đưa vào sử dụng để kết hợp với thiết bị xác thực căn cước công dân bằng mã VNEID để phát hiện các trường hợp giả mạo.

Đảm bảo tính bảo mật của mã VNEID

Sputnik: Chắc người sử dụng rất quan tâm tới tính bảo mật của mã VNEID…
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an:
Về vấn đề này, trong nhiều cuộc họp báo để thông tin về mục đích, tính ưu việt, lộ trình, tiến độ thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người phát ngôn Bộ Công an cho biết đã áp dụng nhiều biện pháp bảo mật, luôn cập nhật thường xuyên cho hệ thống Định danh điện tử Quốc gia để đảm bảo an toàn dữ liệu cho công dân. Các dữ liệu trong suốt quá trình giao dịch cũng được bảo vệ qua nhiều lớp bảo mật và mã hóa bằng các thuật toán tiên tiến.
Theo đó, tài khoản định danh điện tử của công dân chỉ có thể đăng nhập trên một thiết bị duy nhất tại một thời điểm. Chỉ khi công dân đăng ký truy cập vào ứng dụng VNEID các thông tin mới hiển thị. Các dữ liệu về định danh điện tử không được lưu trữ trên thiết bị nên khó truy cập vào thiết bị để đánh cắp thông tin. Khi cán bộ chức năng yêu cầu kiểm tra giấy tờ của công dân thì phải được sự cho phép mới có thể xem được thông tin.
Khả năng chèo chống của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng
Các bên thứ ba như ngân hàng, ví điện tử, y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công bao gồm cả hàng không muốn sử dụng dữ liệu của công dân phải được sự đồng ý của chủ tài khoản. Ngoài ra, thông tin công dân sẽ được ký số và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ ba khi kết nối với hệ thống định danh, xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật. Dữ liệu mã hóa cộng với giải pháp bảo mật ở mức độ cao, nên có thể ngăn ngừa xâm nhập đánh cắp thông tin cá nhân.
Vì vậy, cá nhân công dân có trách nhiệm giữ quyền bảo mật của mình bằng mã OTP. Họ tự quyết định và tự chịu trách nhiệm khi chia sẻ thông tin đó cho bên thứ ba.
Bên cạnh đó, các chuyên gia an ninh mạng cũng lưu ý rằng bên cạnh việc không chia sẻ thông tin tài khoản cho người khác, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về ứng dụng để nắm được các hướng dẫn an toàn bảo mật. Đặc biệt, chú ý đăng xuất tài khoản sau khi sử dụng. thực hiện việc này nhằm vô hiệu hóa những ứng dụng độc hại mà người dùng đã vô tình cài trên điện thoại của mình để truy cập vào thiết bị nhằm lấy cắp thông tin. Để bảo vệ thiết bị của mình, người dân cũng không nên cài các ứng dụng lạ. Thời gian qua, lực lượng công an cũng đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VNEID, trong đó có việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong việc bảo mật và đảm bảo an toàn thông tin.
Sputnik: Cảm ơn Đại tá Nguyễn Minh Tâm đã cung cấp những thông tin rất bổ ích.
Thảo luận