Cần có những gì để trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu?

Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới, nếu biết tận dụng tốt các yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực này.
Sputnik
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ cùng phối hợp xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, đào tạo 30.000 - 50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn.
Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu hay không? Chính phủ Việt Nam đã thực hiện những bước nào để phát triển lĩnh vực này? Ai đã đầu tư vào công nghiệp sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam?
Tiến sỹ kinh tế Lê Hòa đã đưa ra đánh giá của mình trong trả lời phỏng vấn cho phóng viên Sputnik.

Những điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu

Sputnik: Nhiều chuyên gia nước ngoài và trong nước cho rằng, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu. Quan điểm của ông như thế nào?
Tiến sỹ kinh tế Lê Hòa:
Việt Nam có môi trường chính trị xã hội ổn định, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng tự do hóa. Việt Nam cũng có lực lượng lao động trẻ và tài năng (Việt Nam là 1 trong top 10 quốc gia có nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật nhất trên thế giới). Những yếu tố này thực sự hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là tập đoàn công nghệ lớn.
Bao giờ Việt Nam có thể tự sản xuất chip vi mạch bán dẫn?
Tuy nhiên, nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm chip là quá trình khó khăn, đòi hỏi những chi phí khổng lồ. Việt Nam phải đầu tư rất nhiều vào cả cơ sở hạ tầng cứng và mềm.
Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới, nếu biết tận dụng tốt các yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, có chính sách khuyến khích cần thiết, ưu đãi lớn để hỗ trợ các hoạt động sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực chip.

Sự quan tâm của chính phủ Việt Nam

Sputnik: Chính phủ Việt Nam quan tâm tới nền công nghiệp này như thế nào?
Tiến sỹ kinh tế Lê Hòa:
Việt Nam, cụ thể là Thủ tướng Việt Nam đã rất quan tâm và nhiều lần nói đến Chủ trương thúc đẩy sản xuất chip điện tử tại Việt Nam. Đặc biệt, chủ đề này được đưa ra trong bối cảnh thiếu chip trên toàn cầu mà đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh.
Tháng 8/2022, Tập đoàn Viettel đã đề xuất tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Tháng 9/2022, FPT Semiconductor cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) lĩnh vực y tế.
Tháng 4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời xây dựng chương trình về sản xuất chip.
Tháng 7/2023, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhân chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam cũng đã đề cập tới chủ đề này. Bà Janet Yellen đã nói, Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn.
Như đã biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, chủ đề này được đề cập tới cụ thể hơn. Ông Phạm Minh Chính đã yêu cầu xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, đào tạo từ 30.000 tới 50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn.

Các Tập đoàn sản xuất lớn quốc tế thể hiện sự quan tâm tới thị trường Việt Nam

Sputnik: Các Tập đoàn sản xuất lớn quốc tế trong lĩnh vực này đã thể hiện sự quan tâm tới thị trường Việt Nam và xem xét Việt Nam như là một điểm đến đầu tư như thế nào?
Tiến sỹ kinh tế Lê Hòa:
Trước hết, phải nói tới việc khánh thành Trung tâm R&D của Samsung vào ngày 23/12/2022. Trung tâm R&D mới của Samsung Việt Nam có quy mô đầu tư 220 triệu USD. Samsung là doanh nghiệp FDI đầu tiên xây dựng trung tâm riêng, chuyên về nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn. Phát biểu tại sự kiện nói trên, Thủ tướng Việt Nam đã đề nghị tập đoàn Hàn Quốc "khẩn trương chuẩn bị điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, phấn đấu đặt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Thái Nguyên". Như vậy, Samsung Việt Nam là tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Sau Apple và Dell, đến lượt HP chuẩn bị sản xuất máy tính tại Việt Nam
Nhìn chung, một số tập đoàn hàng đầu thế giới cũng đã đổ hàng tỷ USD để sản xuất chip tại Việt Nam, như khoản đầu tư trị giá 850 triệu USD của Samsung hay Amkor Technology với thỏa thuận sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn trị giá 1,6 tỷ USD.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, ASML - hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới đang nhắm tới Đông Nam Á, xem xét việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam, Malaysia và Singapore.
Sputnik: Cảm ơn Tiến sỹ Lê Hòa đã dành thời gian cho Sputnik.
Thảo luận