Hàng ‘made in Vietnam’ ngày càng phổ biến ở Mỹ

Việt Nam đứng thứ hai, chỉ ngay sau Trung Quốc trong danh sách các nước xuất khẩu sản phẩm may mặc da giày sang Mỹ.
Sputnik
Các đơn hàng mới trong 2 quý cuối năm nay cho thấy, các sản phẩm made in Vietnam ngày càng phổ biến tại Hoa Kỳ.

Đại diện Việt Nam dự Magic Show 2023 tại Las Vegas

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Việt Nam tổ chức chương trình xúc tiến thương mại tại hội chợ Sourcing at Magic (Magic Show) lần thứ 16 tại Mỹ.
Cụ thể, theo khuôn khổ Chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phê duyệt, đoàn công tác gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, túi xách Việt Nam dưới sự chủ trì của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), đã tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, dự Hội chợ Sourcing at Magic lần thứ 16 tại Las Vegas, Mỹ từ ngày 7-9/8/2023.
Bộ Công Thương cho biết, đây là hoạt động trong chuỗi các hoạt động khảo sát, nghiên cứu thị trường Mỹ được tổ chức định kỳ hàng năm.
Theo giới thiệu, Magic Show 2023 là Hội chợ chuyên đề của Mỹ tập trung các mặt hàng dệt may, da giày với sự tham gia của hàng ngàn nhà xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ từ Mỹ và các nước trên thế giới với mục tiêu thiết lập quan hệ buôn bán và hợp tác ổn định, bền vững, phục hồi và duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là giai đoạn sau đại dịch Covid-19.
Đối với sự kiện lần này, đoàn Dệt may Việt Nam do ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS làm trưởng đoàn với sự tham gia của 16 đơn vị và 10 gian hàng trưng bày.
Các đơn vị này gồm Tổng Công ty May Nhà Bề, Công ty TNHH Babeeni, Công ty May Nguồn Lực, Công ty NHH Minh Trí, Công ty CO thời trang quốc tế Thuận Thành, Công ty Thái Sơn, Công ty Mot Fashion, Công ty TNHH dệt Tường Long, Công ty TNHH Amann Việt Nam, Công ty TNHH Wiser max HN.
Việt Nam - công xưởng hàng may mặc và giày dép của thế giới chật vật vì lệnh cấm của Mỹ
Đoàn Da giày Việt Nam do bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Lefaso làm trưởng đoàn, dẫn đầu 12 đơn vị doanh nghiệp và 10 gian hàng trưng bày sản phẩm.
Theo đó, đại diện Công ty TNHH May Thêu Nón Đồng Tâm, Công ty TNHH Giày Gia Định, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ AT13, Công ty CP Tập đoàn Giovanni, Công ty CP Sản xuất và Suất nhập khẩu H.A.T, Công ty CP Động Lực, Công ty TNHH Giày APEX Việt Nam, Công ty TNHH Golden Tiger Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất giày dép Huy Hoàng, Công ty TNHH sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Phúc, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đăng Tuấn và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Vinh Thông tham dự hội chợ Magic Show 2023 lần này.
Cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ có ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Lương Kim Thành, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp dự hội chợ.
Hơn 20 gian hàng Việt Nam tập trung tại 2 khu vực trung tâm của Hội chợ được thiết kế và trang trí đồng bộ, hiện đại cùng hình ảnh quốc kỳ Việt Nam, nhiều chủng loại mặt hàng phong phú, mẫu mã đa dạng, tạo được điểm nhấn, thu hút sự quan tâm và chú ý của đông đảo khách tham quan, thể hiện vị thế của một đối tác mới đầy tiềm năng, uy tín ở thị trường Mỹ.

Hàng Việt Nam ngày càng phổ biến ở Mỹ

Thông tin bên lề hội chợ, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, nhiều yếu tố tác động đến tổng cầu tại Mỹ.
Tuy vậy, theo thống kê của Ủy ban thương mại quốc tế (USITC) thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Về phần mình, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thặng dư thương mại xấp xỉ đạt 40 tỷ USD (chỉ sau Trung Quốc, Mexico), tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ mà mang tính bổ trợ.
Qua đó, giúp người tiêu dùng Mỹ có nhiều lựa chọn với mẫu mã, chất lượng ngày càng được cải thiện, giá cả cạnh tranh, qua đó, phấn đấu cân bằng cán cân thương mại.
Theo Tham tán Đỗ Ngọc Hưng, hiện Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc trong danh sách các nước xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giày sang Mỹ.
Tốc độ suy giảm xuất khẩu của Việt Nam tương tự với các nước xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.
‘Đóng đinh’ giày Việt Nam trên bản đồ thế giới
“Tuy nhiên, những đơn hàng mới trong 2 quý cuối năm 2023 cho thấy các sản phẩm “made in Vietnam” ngày càng trở nên phổ biến trên các kệ hàng tại Mỹ”, ông Hưng cho biết.
Theo Tham tán, đây là tín hiệu đáng mừng khi các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam tiếp tục được các nhà nhập khẩu Mỹ lựa chọn đặt hàng.

Tín hiệu khởi sắc cho ngành hàng Việt Nam

Ông Trương Văn Cẩm cho biết, tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ được cải thiện và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ đạt 8 tỷ USD trong năm 2023.
Tuy nhiên, vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa là xu hướng tất yếu trong tương lai đối với ngành dệt may Việt Nam.
Theo chuyên gia, dù đây không phải quy định bắt buộc nhưng việc đạt được các tiêu chuẩn này sẽ giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vũng, nâng cao đời sống người lao động, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp.
Trước đó, theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, hiện vấn đề được cơ quan quản lý của Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm và khuyến cáo từ các nước xuất khẩu đó là lưu ý Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương (UFLPA), trong bối cảnh chính quyền tổng thống Joe Biden có kế hoạch triển khai mạnh mẽ nhiều cam kết về lao động.
Đánh giá về tình hình thị trường cũng như dự báo triển vọng xuất khẩu các sản phẩm da giày sang Mỹ, bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, thị trường Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường tiềm năng và truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tín hiệu thị trường cho thấy, đơn hàng giày dép sẽ quay trở lại, đặc biệt tập trung vào những tháng cuối năm, trùng với thời điểm các kỳ nghỉ tại Mỹ.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy, lượng hàng tồn kho tại Mỹ đã sụt giảm, tạo điều kiện cho các chuỗi phân phối bổ sung đơn hàng mới.
Việt Nam tiếp tục duy trì quan hệ với các khách hàng truyền thống thông qua các đơn hàng với khách hàng lớn như Nike, Skechers…
Thấy gì từ con số 50% giày Nike bán ra toàn thế giới được sản xuất tại Việt Nam?
Đánh giá về góc độ vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là Bộ Công Thương, cơ quan Thương vụ tại Mỹ trong việc tổ chức khai thác thị trường, kết nối đối tác mà cụ thể là hỗ trợ dự hội chợ Magic Show 2023 một cách thành công, hiệu quả, Phó Chủ tịch VITAS Trương Văn Cẩm cho biết, Bộ Công Thương và các cơ quan Thương vụ đã luôn quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng VITAS và doanh nghiệp suốt thời gian qua. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát cũng như thời gian tới, giúp doanh nghiệp và VITAS cập nhật, nắm bắt thông tin kịp thời về thị hiếu tiêu dùng, chính sách tại thị trường xuất khẩu lớn này – vốn chiếm 41% trong tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.
Các đại biểu nhấn mạnh, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam ở Hội chợ Magic Show 2023 tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam như một đối tác uy tín và tin cậy đối với các bạn hàng trên thế giới.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, dự báo khả quan về nền kinh tế Mỹ cũng là cơ sở để tin tưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung cũng như kim ngạch mặt hàng dệt may, da giày sẽ sớm phục hồi, qua đó, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo đà tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Thảo luận