Chuyên gia cho biết, Mỹ là nhà xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, Washington cũng có thể hỗ trợ Hà Nội đầu tư nâng cấp công nghệ chiến lược, trong khi đó, Trung Quốc có quan hệ truyền thống và là đối tác lớn, do đó, rất khó để so sánh bên nào hơn.
Đối đầu Mỹ - Trung về chất bán dẫn
Hôm qua ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp, theo đó cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc.
Theo sắc lệnh mới của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ có quyền cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các thực thể ở Trung Quốc hoạt động trong 3 lĩnh vực: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Nhà chức trách Mỹ nhấn mạnh, các lệnh cấm nhằm giải quyết rủi ro an ninh quốc gia "nguy hiểm nhất" và không chia tách hai nền kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau của hai nước.
Theo Reuters, sắc lệnh này sẽ ngăn chặn nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ giúp phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ tiến trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.
Sắc lệnh cũng tập trung vào vốn cổ phần tư nhân, vốn mạo hiểm, liên doanh và đầu tư vào lĩnh vực xanh.
Sắc lệnh nhắm đến những khoản đầu tư vào các công ty Trung Quốc phát triển phần mềm để thiết kế chip máy tính và các công cụ để sản xuất chúng.
Hiện nay, Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan thống trị các lĩnh vực đó và Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng các giải pháp thay thế trong nước.
Quan ngại sâu sắc
Trong một lá thư gửi Quốc hội Hoa Kỳ, ông Biden cho biết đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với mối đe dọa về sự tiến bộ của các quốc gia như Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và sản phẩm nhạy cảm quan trọng đối với quân đội, tình báo, giám sát hoặc khả năng tấn công mạng.
Phản ứng trước động thái trên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết họ "rất thất vọng" trước biện pháp này. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng, Nhà Trắng đã không chú ý đến việc Trung Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch này.
Theo người phát ngôn, hơn 70.000 công ty Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc. Nước này nêu rõ, các hạn chế mới sẽ gây tổn hại cho cả doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ, cản trở sự hợp tác bình thường và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào Hoa Kỳ.
Phía Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và khẳng định sẽ có hành động đáp trả nếu Mỹ hạn chế đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ tôn trọng quy luật kinh tế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, không cản trở các hoạt động giao lưu-hợp tác kinh tế, không gây trở ngại cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tác động đến Việt Nam
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về chất bán dẫn và chip công nghệ cao nóng lên đang gây áp lực với chuỗi giá trị toàn cầu.
Thời gian qua, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã bắt đầu tham gia tích cực vào chuỗi giá trị của ngành điện tử. Do đó, theo báo Đầu tư dẫn lời chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, động thái của Mỹ hay Trung Quốc sẽ tác động tương đối đáng kể đối với Việt Nam, chuyên gia cho biết.
Có thể nhận thấy điều này khi nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm qua là hàng điện tử, thiết bị điện tử gặp thách thức khá lớn. Nguyên nhân là vì Mỹ và châu Âu muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất thiết bị điện tử.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn đặc thù, nên Việt Nam phải trông vào sức mình là chính.
"Các nước bây giờ phần lớn đều có trợ cấp để các tập đoàn công nghệ đầu tư các cơ sở sản xuất chip tại nước mình, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Tựu chung lại, Việt Nam nên trông vào nội lực của mình là chính", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, có hai "dòng xoáy" rất lớn hiện nay và có tác động khác nhau đối với kinh tế Việt Nam là chính sách của Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc.
"Mỹ là nhà xuất khẩu chủ lực của nước ta. Về tương lai, nếu muốn tăng cường năng lực thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cấp công nghệ thì Mỹ cũng có thể là đối tác cần tập trung chiến lược. Mặt khác, Trung Quốc là đối tác lớn và truyền thống của Việt Nam, nên rất khó để nói bên nào hơn bên nào", chuyên gia Nguyễn Bá Hùng lưu ý.
Cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới
Thực tế, Chính phủ Việt Nam đang rất tâp trung vào chủ trương thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn.
Nhiều chuyên gia cũng tin tưởng rằng, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực vi mạch.
Việt Nam nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành bán dẫn. Gần nhất, tháng 7/2023, khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn, năng lượng tái tạo.
Năm ngoái, tại lễ khánh thành Trung tâm R&D của Samsung, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị tập đoàn Samsung khẩn trương chuẩn bị điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, phấn đấu đặt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Thái Nguyên.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 sáng 5/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ cùng phối hợp xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn.
Hồi tháng 4/2023, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời xây dựng chương trình về sản xuất chip.
Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều thành tựu đáng khích lệ trong lĩnh vực này. Điển hình, tháng 9/2022, FPT Semiconductor cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) lĩnh vực y tế.
Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội Viettel cũng đề xuất tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu ra thế giới.