Dù toà án đã tuyên án yêu cầu vợ chồng Nguyễn Anh Trung- Lê Thị Thùy Diễm phải rời khỏi ngồi nhà trên, nhưng cho đến nay, dù cụ Tứ đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình theo bản án, nhưng cặp vợ chồng vẫn không trả lại nhà.
Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre lý giải, việc chậm thi hành án là do bản án chỉ buộc vợ chồng Trung - Diễm trả đất, rời khỏi nhà mà không buộc họ di dời các tài sản trong nhà để giao nhà, đất cho cụ Tứ và xử lý cây cối trên đất của cụ Tứ.
Cho ở nhờ, mất luôn nhà
Vừa qua, báo Thanh niên có bài viết phản ánh trường hợp cụ Lê Thị Tứ (71 tuổi, chủ nhà đất số 109, đường Nguyễn Huệ, phường Phú Khương, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre) rơi vào nghịch cảnh cho ở nhờ rồi mất luôn nhà, đến nay vẫn chưa được thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật hơn 1 năm rưỡi.
Theo đó, vợ chồng cụ Tứ và cụ Trần Văn Năm (đã qua đời năm 2012) không có con, trong khi người con gái nuôi là Trần Thị Tường Vi đã lấy chồng, định cư ở Mỹ năm 2005.
Cụ Năm là chủ sở hữu thửa đất rộng gần 450 m2 (mặt tiền dài 11,5 m giáp đường Nguyễn Huệ, TP. Bến Tre). Sinh thời, cụ Năm và cụ Tứ sống trong ngôi nhà bằng gỗ gõ đỏ phía sau, phần 11,5 m đất mặt tiền phía trước cất 2 ki ốt nhà tiền chế cho thuê kiếm sống cùng với tiền trợ cấp (mỗi tháng Tường Vi gửi về 100 USD).
Năm 2009, theo yêu cầu cụ Tứ, cụ Năm đồng ý để cháu vợ là Nguyễn Anh Trung về ở tại 1 ki ốt bán tạp hóa mưu sinh mà không lấy tiền thuê. Sau khi ở nhà cụ Năm một thời gian ngắn, Trung cưới vợ là Lê Thị Thùy Diễm.
Năm 2012, cụ Năm đột ngột qua đời mà không để lại di chúc. Vì thửa đất này là tài sản riêng của cụ Năm nên phải chia theo pháp luật gồm cụ Tứ và Tường Vi, mỗi người được một nửa.
Cụ Tứ cho biết, vì cụ Năm bị bệnh nhưng giấu nên sau khi cụ Năm qua đời mới biết được nên cụ Tứ rất đau buồn, hoàn toàn suy sụp tinh thần. Khi đó, Nguyễn Anh Trung nói cụ Tứ ủy quyền cho mình để đứng ra chia một nửa đất cho Tường Vi.
Tháng 1/2014, do tin tưởng Trung nên cụ Tứ đã cùng với Trung ra Văn phòng công chứng Đồng Khởi ký nhiều loại giấy tờ để Trung chia đất cho con gái giúp mình. Trong khai nhận di sản thừa kế, cụ Tứ cho biết cụ Năm có một người con nuôi là Tường Vi đang sống bên Mỹ. Thế nhưng, Văn phòng công chứng Đồng Khởi vẫn tạo điều kiện cho cụ Tứ ký nhận di sản của cụ Năm mà không ghi tên Tường Vi.
Văn phòng này còn soạn thảo hợp đồng mua bán để cụ Tứ ký tên chuyển toàn bộ quyền sử dụng thửa đất sang cho Nguyễn Anh Trung với giá 100 triệu đồng. Đúng một tháng sau khi cụ Tứ ký các giấy tờ đó, UBND TP.Bến Tre hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trung.
Năm 2016, bà Lâm Thị Kim Hoàng (vợ người anh ruột thứ 7, ông Trung thứ 8) từ Đồng Nai về Bến Tre thăm cụ Tứ (dì bà Hoàng) và phát hiện việc bất thường nên thông báo với Tường Vi (đang ở Mỹ) để xử lý. Tường Vi sau đó đã ủy quyền khởi kiện đòi lại phần di sản thừa kế của người cha nuôi để lại.
Cuối năm 2016, nhà nước mở rộng đường Nguyễn Huệ, giải phóng mặt bằng 85 m2 đất của cụ Tứ và bồi thường 395 triệu đồng. Trung làm thủ tục lãnh về báo và giao cho cụ Tứ 350 triệu đồng, đồng thời tự ý hưởng 45 triệu đồng phần tiền này.
Năm 2017, đại diện của Tường Vi bắt đầu các thủ tục pháp lý, lúc này vợ chồng Trung – Diễm đã xây cất nhà trên toàn bộ thửa đất của cụ Tứ. Khi đó, cụ Tứ thường xuyên về nhà người chị hai bị tâm thần để chăm sóc và nhân cơ hội đó Trung làm thủ tục chuyển hộ khẩu cụ Tứ từ TP.Bến Tre về huyện Châu Thành.
Sau khi biết việc Tường Vi đang tranh chấp đất với Trung và nhận thấy các dấu hiệu khả nghi trong cách đối xử của Trung với mình, cụ Tứ sinh nghi, buộc Trung ký giấy xác nhận vào ngày 27.9.2019 với nội dung: "Toàn bộ thửa đất 364 m2 mà vợ, chồng Trung – Diễm đang ở là của cụ Tứ và vợ, chồng Trung có nghĩa vụ sang tên cho cụ Tứ bất cứ khi nào cụ có yêu cầu".
Sau quá trình tố tụng, TAND tỉnh Bến Tre và cấp phúc thẩm là TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên buộc vợ chồng Nguyễn Anh Trung - Lê Thị Thùy Diễm được lưu cư trong thời hạn 6 tháng (tại nhà 109 Nguyễn Huệ, phường Phú Khương, TP.Bến Tre, Bến Tre) và phải rời khỏi nhà này trước ngày 21/9/2022.
Ngôi nhà vợ chồng Trung - Diễm xây cất trên đất cụ Tứ được định giá 372 triệu đồng nên cụ Tứ có nghĩa vụ trả số tiền 372 triệu đồng cho Trung - Diễm. Cụ Tứ được toàn quyền sở hữu thửa đất này.
Thửa đất trong vụ việc được định giá hơn 4,6 tỷ đồng. Do đó, cụ Tứ còn phải trả giá trị 2,3 tỷ đồng cho Trần Thị Tường Vi vì chị này định cư ở Mỹ nên không đủ điều kiện sở hữu đất đai ở Việt Nam.
Phải ở nhờ nhà người chị bị tâm thần
Được biết, sau khi bị người cháu ruột chiếm đất, đuổi khỏi nhà, cụ Tứ hiện phải ở cùng người chị ruột (78 tuổi) bị bệnh tâm thần. Căn nhà của người chị này giờ đã xuống cấp nghiêm trọng, nằm ở một nơi hẻo lánh thuộc xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Cụ Tứ là người em nhỏ nhất trong gia đình có 3 chị em gái. Người lớn nhất không chồng con, bị bệnh tâm thần nhiều năm qua, thường đập phá đồ đạc trong nhà. Trong khi đó, chị kế là mẹ của Nguyễn Anh Trung (47 tuổi), người đang cùng vợ mình chiếm dụng bất hợp pháp đất đai của cụ Tứ, khiến cụ phải sống lang thang hơn 5 năm qua.
"Từ khi bị thằng Trung chiếm đất, đuổi khỏi nhà, tôi phải sống lang thang khắp nơi chờ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật để trở về nhà. Giờ không ai chứa nữa, bệnh tật lại trầm trọng hơn nên tôi đến ở với chị hai và 2 chị em sống nhờ vào gạo và mấy trăm ngàn đồng trợ cấp của nhà nước cho chị hai. Mấy tháng nay không có tiền đi Bệnh viện Mắt TP.HCM tiêm thuốc nên mắt tôi mờ dần, bệnh tiểu đường cũng chuyển biến nặng hơn… Tôi không ngờ những ngày tháng cuối đời mình lại lâm cảnh khốn cùng như thế này", báo Thanh niên dẫn lời chia sẻ đầy chua xót của cụ Tứ.
Cục trưởng Thi hành án Dân sự Bến Tre giải thích thế nào?
Ngày 11/8, Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến đã chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy gửi công văn yêu cầu ông Nguyễn Văn Nghiệp, Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre, khẩn trương báo cáo toàn bộ vụ việc và đề xuất hướng xử lý dứt điểm vụ án.
Cũng theo Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre, Cục trưởng Nguyễn Văn Nghiệp đã có văn bản báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre. Báo cáo cho biết, ngày 5/10/2022, Cục THADS tỉnh Bến Tre ra quyết định thụ lý vụ án phúc thẩm số 149/2022/DSPT (tuyên ngày 21/3/2022) của TAND cấp cao tại TP.HCM.
Đến tháng 10/2022, cụ Tứ đã chủ động thực hiện xong tất cả các nghĩa vụ của mình trong bản án nhưng đến nay vợ chồng Trung - Diễm vẫn không nhận tiền và không chấp nhận thi hành án.
Ông Nghiệp cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc thi hành án là do bản án chỉ tuyên buộc vợ chồng Trung - Diễm trả đất, rời khỏi nhà mà không buộc Trung - Diễm di dời các tài sản trong nhà để giao nhà, đất cho cụ Tứ và xử lý cây cối trên đất của cụ Tứ.
Về điều này, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre đã có đơn kháng nghị giám đốc thẩm gửi Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao.
Đến ngày 3/7/2023, TAND tối cao đã nhận được đề nghị kháng nghị của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre. Bản án hiện đã được Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre ra quyết định tạm đình chỉ, chờ văn bản trả lời của 2 cơ quan trên rồi mới tiếp tục xử lý.
Báo Thanh niên cho biết, hồi tháng 7/2023, Cục phó Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre Trần Văn Liêm cho rằng, có 2 nội dung dẫn đến việc đơn vị ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là do "không biết giao nhà cho ai" và "xử lý 4 cây dừa, 2 cây nhãn trên đất cụ Tứ như thế nào".
Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre chuyển đơn, yêu cầu phản hồi người dân
Liên quan đến vụ việc bức xúc trên, bà Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho biết cơ quan này đã nhận được "Đơn xin can thiệp" của đại diện theo ủy quyền của bà Lê Thị Tứ vì Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre chậm thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật do TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên ngày 21/3/2022.
Trong đơn, cụ Tứ cho biết đã thi hành xong trách nhiệm của mình đối với bản án này hồi tháng 10/2022. Tuy nhiên, dù Nguyễn Anh Trung và Lê Thị Thùy Diễm đã hết thời gian lưu cư từ ngày 23/9/2022 nhưng đến nay hai người này vẫn chưa rời khỏi nhà, đất của cụ Tứ theo bản án.
Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã ký công văn kèm đơn chuyển đến Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre, yêu cầu sớm có công văn phản hồi công dân theo quy định.
Luật sư: Nội dung bản án là rõ ràng
Báo Thanh niên dẫn lời luật sư Tô Bá Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, qua theo dõi việc thi hành án vụ án này, ông Thanh nhận định các nội dung trong bản án đã tuyên là rõ ràng.
Theo luật sư, xét về chủ thể thì trong vụ án hiện chỉ còn một bên là cụ Lê Thị Tứ và bên còn lại là vợ chồng Nguyễn Anh Trung - Lê Thị Thùy Diễm. Tòa đã tuyên cụ Tứ phải trả 372 triệu đồng (giá trị ngôi nhà mà Trung - Diễm xây cất trên đất cụ Tứ) thì đương nhiên ngôi nhà này là của cụ Tứ và cơ quan thi hành án phải giao cho cụ Tứ, chứ không thể giao cho ai khác.
Tòa đã tuyên hủy toàn bộ hồ sơ mà cụ Tứ đã ký chuyển quyền sở hữu đất cho Trung (hồi năm 2014) và lãnh đạo Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre cũng nhận định một số cây trồng trên thửa đất này đã hơn 10 năm tuổi (có trước năm 2014) thì đương nhiên các cây trồng là của cụ Tứ.
Về các tài sản trong ngôi nhà vợ chồng Trung - Diễm đều là động sản và thuộc sở hữu của Trung - Diễm. Trong khi đó, theo quyết định của bản án đã có hiệu lực thì toàn bộ nhà, đất tại số 109 đường Nguyễn Huệ, TP. Bến Tre là của cụ Tứ nên đương nhiên Trung - Diễm phải rời khỏi cùng với các tài sản có giá trị của mình. Chỉ khi nào cụ Tứ cho phép lưu lại tại nhà, đất của mình thì mới được để lại.
Theo luật sư Thanh, cụ Tứ đã tự nguyện thi hoàn thành xong tất các nghĩa vụ trong bản án hồi tháng 10/2022 và Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre cũng đã ghi nhận. Do đó, cơ quan này hoàn toàn có thể dựa vào tình tiết này và nội dung bản án là buộc vợ chồng Trung - Diễm phải rời khỏi nhà, đất trước ngày 23/9/2022 để triển khai thi hành án kịp thời.