Hoàng Thị Thúy Nga từng là “phó tướng” của cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Quá trình điều tra, nhà chức trách đã thu giữ một chiếc USB vật chứng, chứa nhiều tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của Hoàng Thị Thúy Nga.
Chiêu bài quân xanh, quân đỏ
Cáo trạng của Viện KSND Tối cao nêu rõ, năm 2016, do quen biết với Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh Vũ Liên Oanh từ trước nên khi biết có chủ trương đầu tư trang thiết bị giáo dục, Chủ tịch Công ty NSJ Hoàng Thị Thúy Nga đã đến gặp Oanh và bàn bạc phối hợp để các công ty của Nga trúng thầu.
Quá trình tham gia đấu thầu, Nga chỉ đạo cho lập hồ sơ dự thầu gồm 1 hồ sơ công ty ''quân đỏ'', 2-3 hồ sơ công ty là ''quân xanh''.
Trong đó, các hồ sơ “quân đỏ” là Công ty của Nga hoặc công ty mà Nga mượn pháp nhân gồm Công ty NSJ, Liên danh Công ty Toàn Thịnh -Tràng An, NSJ-Toàn Thịnh. Các hồ sơ này được lập theo đúng các tiêu chí của hồ sơ mời thầu để đảm bảo trúng thầu.
Trong khi đó, “quân xanh” là các công ty có quan hệ quen biết với Nga hoặc do Nga nhờ tham dự thầu cho đủ số lượng. Các hồ sơ này cố tình đưa các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, hồ sơ tài chính không đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu mà chỉ để đảm bảo đủ số lượng dự thầu theo quy định.
Bản thân Nga đích thân chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ dự thầu và lập hồ sơ dự thầu cho cả quân xanh, quân đỏ. Sau khi trúng thầu, các công ty quân đỏ được quyết toán và thanh lý hợp đồng.
Vì đã thống nhất trước với Nga, Vũ Liên Oanh chỉ định thầu Công ty AIC và Công ty Gia Lộc là đơn vị thẩm định giá, chỉ đạo cấp dưới gửi danh mục thiết bị cần mua với đơn giá cho bên thẩm định giá.
Các công ty thẩm định giá ra chứng thư thẩm định giá theo đúng theo cầu của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh. Giá thẩm định cũng là giá do Nga ấn định trước.
Nâng giá thiết bị bằng công ty trung gian
Nhằm “che mắt” khi bị thanh tra, kiểm tra, Nga đã tìm cách nâng giá hàng hóa gần với giá trúng thầu.
Cấp dưới của Nga được chỉ đạo để liên hệ với hãng sản xuất ở nước ngoài, sử dụng các công ty trung gian nhằm nâng giá thiết bị giáo dục, đồ dùng đồ chơi.
Theo đó, Hoàng Thị Thúy Nga và Công ty NSJ, Công ty MQF (do Nga thành lập) đã liên hệ với hãng xuất nước ngoài và được các hãng báo giá bán thiết bị.
Tuy nhiên, Nga không sử dụng Công ty NSJ, Công ty MQF mua trực tiếp hàng hóa mà sử dụng các công ty trung gian là Công ty Capitalink, Golden Spring và Hongkong Zhenhao ký hợp đồng mua hàng từ nhà sản xuất với giá trực tiếp.
Sau đó, các công ty trung gian này lại ký hợp đồng bán lại các thiết bị giáo dục, đồ dùng đồ chơi cho Công ty MQF, Công ty NSJ. Bằng thủ thuật này, giá mua bán được nâng lên nhiều lần so với giá bán trực tiếp của hãng sản xuất và gần bằng giá trúng thầu.
Qua đó, Công ty NSJ và các liên danh đã tham dự và trúng cả 6/6 gói thầu với tổng giá trị hơn 637 tỷ đồng.
Hành vi nêu trên của các bị can đã vi phạm các điều cấm trong Luật Đấu thầu, như thỏa thuận chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham gia thầu để một bên thắng thầu, cố ý làm sai lệch thông tin, cung cấp thông tin không trung thực để làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu…
Thu giữ chiếc USB vật chứng
Theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, trong quá trình điều tra, nhà chức trách đã thu giữ chiếc USB của bị can Ngô Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty MQF có chứa dữ liệu, tài liệu tính của Công ty NSJ phản ánh giá gốc của các thiết bị giáo dục.
Đây là giá nhập khẩu trực tiếp từ các hãng sản xuất và Công ty NSJ, MQF dùng để tính toán hiệu quả khi tham gia gói thầu.
Hùng và các bị can khác đã lập và ký các tài liệu trong chiếc USB khai nhận giá đầu vào nguyên tệ, giá đầu vào quy đổi chưa VAT và giá Net (chưa thuế) là giá gốc các thiết bị giáo dục, đồ dùng đồ chơi do các hãng báo giá cho Công ty NSJ, MQF.
Ngoài ra, công an còn thu thập được tài liệu, chứng cứ gồm tờ khai hải quan, hợp đồng ký kết giữa công ty trung gian với nhà sản xuất, hợp động giữa Công ty NSJ, Công ty MQF với các công ty trung gian.
Do các gói thầu năm 2016, 2017 và 2018 không có tài liệu xác định giá gốc hàng hóa để tính thiệt hại nên cơ quan điều tra, VKS chỉ xác định thiệt hại ở 2 gói thầu năm 2019. Chỉ với riêng 2 gói thầu trong năm này, Nhà nước đã chịu thiệt hại đến hơn 80 tỉ đồng.
Hoàng Thị Thúy Nga từng là Phó tổng giám đốc tại Công ty AIC do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Chủ tịch. Bị can Nga sau đó đã tách ra, lập công ty riêng, móc nối với Vũ Liên Oanh thông thầu trong vụ án ở Sở GD&ĐT Quảng Ninh.
Nga bị cáo buộc là người giúp sức tích cực cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án gian lận để trúng 16 gói thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.