Trong mấy năm gần đây, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng lên nhanh chóng.
DOC điều tra chống bán phá giá bánh xe kéo bằng thép của Việt Nam
Vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với bánh xe kéo bằng thép nhập khẩu từ Việt Nam, bắt đầu từ khoảng giữa tháng 8/2023.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), DOC đưa ra quyết định này sau khi nhận đơn của Công ty Dexstar, Hoa Kỳ (nguyên đơn vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) gốc) hôm 7/7/2023.
Trong đơn, Dexstar đề nghị điều tra xem xét phạm vi sản phẩm bánh xe kéo bằng thép được hoàn thiện tại Việt Nam từ các cấu phần xuất xứ Trung Quốc có thuộc phạm vi lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm tương tự của Trung Quốc hay không.
Theo luật Mỹ, các bên liên quan của vụ việc được phép gửi ý kiến bình luận và các thông tin khác để bác bỏ, làm rõ hoặc đính chính các thông tin trong đơn đề nghị điều tra của nguyên đơn trong vòng 30 ngày kể từ ngày khởi xướng (tức là ngày 7/8/2023). Sau khi nhận được ý kiến từ các bên, phía nguyên đơn sẽ có 14 ngày để phản hồi.
Do đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bánh xe kéo bằng thép tìm hiểu, nắm rõ các quy định, trình tự thủ tục điều tra phạm vi sản phẩm của Hoa Kỳ để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình.
Cục cũng khuyến nghị doanh nghiệp có quyền lợi thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan điều tra Hoa Kỳ (nếu có), đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục trong suốt vụ việc để được tư vấn, hỗ trợ.
Vụ việc phòng vệ thương mại có xu hướng tăng
Cục Phòng vệ Thương mại ghi nhận, trong những năm gần đây, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng lên nhanh chóng.
Tính đến hết tháng 6 năm 2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam ra quốc tế đã gặp phải 231 vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong đó, số vụ việc điều tra chống bán phá giá là 128 vụ, tiếp đến là vụ việc tự vệ với 47 vụ, điều tra lẩn tránh thuế là 33 vụ và chống trợ cấp là 23 vụ.
Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, các nước đã khởi xướng 4 vụ kiện phòng vệ thương mại mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, có 3 vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ liên quan đến máy phun xịt chạy bằng khí cao áp, móc treo quần áo bằng thép, túi giấy đi chợ.
Như vậy, không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép mà ngay cả mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá... cũng phải đối mặt với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại.
Có thể thấy, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế quan trọng tại thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, cũng chính điều này đã làm gia tăng sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước, xuất hiện một số hành vi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp.