Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện vào tháng 5 và 6 vừa qua là khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến thiếu điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt để có hình thức xử lý theo đúng quy định.
EVN đã kiểm điểm xong?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo số 4829/BC-EVN gửi Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về kết quả thực hiện kết luận thanh tra của Bộ Công Thương liên quan đến quản lý, điều hành và cung ứng điện.
Trong báo cáo số 4829, EVN cho biết đã tổ chức “hàng loạt hội nghị để kiểm điểm lãnh đạo các tổng công ty, đơn vị trực thuộc”, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp khắc phục các tồn tại.
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, EVN cho biết, qua thanh kiểm tra, đã chỉ ra một số tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trong quá trình quản lý và điều hành cung ứng điện của EVN và các đơn vị thành viên có liên quan đến cung cấp điện.
“Với tinh thần tiếp thu, cầu thị, EVN đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung của kết luận và niêm yết công khai Kết luận thanh tra tại trụ sở EVN từ ngày 18/7 - 7/8”, - tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết.
EVN đã sao gửi Kết luận thanh tra đến các đơn vị thành viên có liên quan đến tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được nêu tại Kết luận thanh tra để nghiên cứu và triển khai thực hiện.
Trong văn bản mới gửi đi, EVN cho biết Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc EVN đã có 5 văn bản triển khai công tác kiểm điểm đối với Tập thể Ban Tổng giám đốc EVN, Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc và yêu cầu tập thể Ban Giám đốc, Giám đốc các đơn vị trực thuộc và tập thể lãnh đạo Ban, Trưởng ban EVN đã tổ chức kiểm điểm/chưa tổ chức kiểm điểm để đốc thúc việc kiểm điểm.
Cụ thể, căn cứ thẩm quyền và phân cấp quản lý cán bộ, Hội đồng thành viên (HĐTV) EVN và Tổng Giám đốc EVN đã tổ chức hội nghị kiểm điểm xem xét trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, khuyết điểm, vi phạm về cung ứng điện được nêu tại kết luận thanh tra
Theo đó, từ ngày 27/7 - 29/7, Hội đồng Thành viên EVN đã tổ chức hội nghị để kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với tập thể HĐTV, chủ tịch HĐTV và tổng giám đốc: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, 5 Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Phát điện 1.
Ngày 28/7, EVN đã tổ chức kiểm điểm tập thể nhóm người đại diện phần vốn của EVN, người phụ trách nhóm người đại diện là Chủ tịch HĐQT, người đại diện là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc các Tổng công ty Phát điện 2, 3.
Ngày 29/7 kiểm điểm tập thể Ban Giám đốc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức.
Theo tập đoàn điện lực Việt Nam, các tập thể và cá nhân nêu trên đã nộp bản kiểm điểm và tự nhận các hình thức trách nhiệm đối với các tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được chỉ ra.
“Tập thể Ban Tổng giám đốc EVN cũng có cuộc họp kiểm điểm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, HĐTV EVN”, - báo cáo nêu.
Cuộc họp này, theo EVN, là để yêu cầu Tổng giám đốc EVN nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại hội nghị kiểm điểm, hoàn thiện báo cáo kiểm điểm của tập thể ban Tổng giám đốc; khẩn trương nghiêm túc thực hiện kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm và xử lý với tập thể, cá nhân có liên quan để tiếp tục hội nghị kiểm điểm.
Báo cáo của EVN cũng nêu, Tổng Giám đốc EVN đã tổ chức, chủ trì hội nghị kiểm điểm xem xét trách nhiệm với tập thể ban giám đốc, giám đốc các đơn vị trực thuộc.
Trong đó có Công ty Nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Công ty Mua bán điện.
Tổng Giám đốc EVN cũng tổ chức các hội nghị kiểm điểm tập thể lãnh đạo các ban và trưởng các ban của EVN như: Ban Thị trường điện, Ban Kỹ thuật - Sản xuất, Ban Kế hoạch, Ban Tài chính Kế toán, Ban Quản lý Đầu tư, Ban Quản lý Đấu thầu.
Theo tập đoàn, Tổng Giám đốc EVN sẽ tiếp tục rà soát báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân theo phân cấp quản lý cán bộ, trên cơ sở đó sẽ báo cáo HĐTV EVN để xem xét tổ chức việc kiểm điểm với tập thể, cá nhân theo phân cấp quản lý.
“Trên cơ sở có kết quả công tác kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan, EVN sẽ tổng hợp báo cáo các cấp”, - EVN khẳng định.
Đảm bảo cung ứng điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông báo đã có những khắc phục trong công tác quản lý và cung cấp điện, bao gồm việc trình kế hoạch sản xuất kinh doanh - đầu tư, khắc phục tồn tại, kế hoạch vận hành năm 2023, kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện các năm tiếp theo.
EVN cũng đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) hàng tháng tính toán phương thức vận hành tháng và cập nhật cho các tháng còn lại của năm 2023, đánh giá khả năng cung cấp điện và đưa ra các giải pháp.
“Các báo cáo này A0 đã báo cáo Bộ Công Thương bằng văn bản”, - EVN nêu rõ.
Để chuẩn bị cho năm 2024-2025, đặc biệt là cấp điện mùa khô, EVN đã chỉ đạo A0 tính toán cân đối cung cầu từng năm theo các kịch bản khác nhau.
Trong đó chú trọng vấn đề phụ tải, tần suất nước về, xác suất sự cố... và đưa ra các giải pháp, trong đó có các giải pháp trong thẩm quyền của EVN và các kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về giải pháp cung cấp điện 2024-2025, EVN sẽ hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước và các Bộ, ngành trong quý III/2023.
Ngoài ra, EVN và các đơn vị tiếp tục rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm của pháp luật và hệ thống các quy định, quy chế quản lý nội bộ của EVN liên quan đến công tác quản lý và điều hành cung cấp điện, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Việt Nam thiệt hại 1,4 tỷ USD vì thiếu điện, Thủ tướng chỉ đạo làm rõ trách nhiệm
Như Sputnik đưa tin trước đó, tại văn bản về đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối 2023 và năm 2024, gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, các tập đoàn EVN, PVN, TKV, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến thiếu điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt để có hình thức xử lý theo đúng quy định.
Động thái này của người đứng đầu Chính phủ liên quan tới báo cáo mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong đó, tổ chức này ước tính Việt Nam thiệt hại 1,4 tỷ USD vì đợt mất điện vừa qua tại các tỉnh phía Bắc.
Chính phủ nhận định cung ứng điện giai đoạn cuối mùa khô 2023 vừa qua gặp khó khăn. Khu vực miền Bắc xảy ra tình trạng thiếu điện, phải cắt luân phiên từ cuối tháng 5 đến 22/6.
Việc này đã ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân. Nhiều doanh nghiệp có nhà máy tại các khu công nghiệp phía Bắc bị cắt điện trong nhiều giờ, liên tục trong tuần.
EVN đã cam kết kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang tính toán, phân tích kịch bản và nghiên cứu giải pháp để thực hiện tốt hơn cung ứng điện các năm tới.