Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới: Cơ hội và thách thức

Tình hình biến động trên thị trường gạo thế giới không chỉ tạo cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam mà còn gây ra nhiều thách thức trong việc bảo đảm an ninh lương thực và bình ổn giá tại thị trường nội địa.
Sputnik
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao kể từ khi Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ, đồng thời giá lúa, gạo trong nước cũng được đẩy lên cao. Trước thực trạng này, chính quyền Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cũng như bình ổn giá nội địa và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.
Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ kinh tế Lê Hòa về tình hình thị trường gạo Việt Nam.

Giá gạo trong nước tăng mạnh vì đâu?

Sputnik: Như chúng ta đã biết, ngày 20-7, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tẻ thường trong nỗ lực kiềm chế giá gạo trong nước tăng cao. Quyết định trên được đưa ra sau khi xuất hiện các bản tin và video ghi lại cảnh người dân đổ xô mua lương thực. Cùng với đó là hình ảnh trên các kệ hàng siêu thị ở Mỹ và Canada hết sạch gạo Ấn Độ. Vì sao ngay sau quyết định trên của Ấn Độ giá gạo đã bị đẩy lên cao?
Tiến sỹ kinh tế Lê Hòa: Thực ra, giá gạo thế giới đã tăng đều đặn kể từ đầu năm 2022. Ở Ấn Độ, giá gạo đã tăng hơn 30% kể từ tháng 10/2022. Số liệu thống kê cho thấy, nếu như vào tháng 9 năm ngoái, một tấn gạo tẻ thường ở Ấn Độ có giá khoảng 330 USD, thì hiện tại đã lên tới 450 USD. Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo số 1 trên thế giới, chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục 22,2 triệu tấn, cao hơn tổng khối lượng xuất khẩu của bốn nước xuất khẩu gạo hàng đầu (sau Ấn Độ) là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Trong tình thế như hiện nay thì Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã khiến giá gạo toàn cầu tăng vọt.
Việt Nam sẽ đưa 7-8 triệu tấn gạo ra nước ngoài giữa làn sóng cấm xuất khẩu gạo?
Hiện nay, Ấn Độ đang dự trữ khoảng 41 triệu tấn gạo, cao gấp 3 lần so với yêu cầu dự trữ. Số gạo này được cất trong các kho dự trữ chiến lược và hệ thống phân phối công cộng. Nó cho phép hơn 700 triệu người nghèo tiếp cận với lương thực giá rẻ. Lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ về cơ bản là một biện pháp phòng ngừa.
Tiếp theo, giá gạo trên thế giới bị đấy cao hơn nữa vì cả Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Liên bang Nga chỉ một tuần sau lệnh cấm của Ấn Độ đều thông báo ngừng xuất khẩu gạo ra nước ngoài. Gạo hiện là lương thực thiết yếu của hơn 3 tỷ người trên thế giới. Nhu cầu về gạo cũng đang ngày càng tăng.
Theo dự báo, thị trường gạo thế giới còn tiếp tục biến động trong thời gian tới. Nhu cầu nhập khẩu gạo hiện đang tăng mạnh, giá bán tốt cho gạo Việt Nam, vì thế lượng gạo trong nước được “hút” vào xuất khẩu, trong khi nguồn cung lúa gạo trong nước thì hạn chế. Đây là yếu tố đầu tiên khiến giá gạo tăng từng ngày tại thị trường nội địa.
Yếu tố tiếp theo là vấn đề tâm lý và việc từ ngày 1/7/2023 lương cơ bản tăng khiến nhiều mặt hàng tăng trong đó có mặt hàng gạo. Tất nhiên, còn có một nguyên nhân nữa là đầu cơ, găm hàng, nhưng yếu tố này không phải là chính vì để đầu cơ, găm hàng có quy mô thì cần có hệ thống nhà kho, bảo quản tốt mà ở Việt Nam thì các doanh nghiệp hay đại lý chưa có khả năng này.

Nên mừng hay nên lo?

Sputnik:Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong phiên giao dịch ngày 19/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vượt giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và đắt nhất thế giới. Nên mừng hay lo đây?
TS kinh tế Lê Hòa: Đúng là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vượt giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và đắt nhất thế giới. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 19/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng loại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn, của Thái Lan có giá 561 USD/tấn. Như vậy, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới.
Việt Nam đi "nước cờ" bất ngờ khi Nga, Ấn Độ, UAE ngưng xuất khẩu gạo
Nên mừng hay nên lo? Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo của Việt Nam cao so với mặt bằng chung của thế giới không hoàn toàn là lợi thế, chưa nói là bất lợi. Vì sao? Bởi vì nếu doanh nghiệp bán ra với giá quá cao, khách hàng có thể tìm kiếm nguồn cung mới với giá hợp lý hơn. Mà một khi mất thị trường, mất khách hàng thì phải đi tìm lại. Mặt khác, giá gạo xuất khẩu cao cũng đẩy giá nguyên liệu trong nước đi lên, doanh nghiệp không dám mua vào vì nguồn vốn lớn, rủi ro cao, mua vào nhỡ giá thị trường thế giới lại xuống thì sẽ lỗ.
Nhưng trong điều kiện như vậy, nếu kinh doanh giữ được chữ “tín” thì vẫn có thể sử dụng lợi thế và cơ hội lớn này.

Vì sao giá gạo cao mà doanh nghiệp vẫn kêu khó khăn?

Sputnik: Chúng ta thấy một nghịch lý là trong khi giá gạo tăng mạnh nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu lại than lỗ hoặc khó kinh doanh. Nguyên nhân là từ đâu?
TS kinh tế Lê Hòa: Thực trạng ở Việt Nam là doanh nghiệp không mua lúa trực tiếp từ người sản xuất mà phải thông qua hệ thống thương lái. Một khi mà không có liên hệ chặt chẽ trong xuất khẩu gạo thì thực chất, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chỉ có chức năng như một thương lái to hơn mà thôi, mà như thế thì thực sự khó mà tăng giá trị cho hạt gạo được, khó mà tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và thu nhập cho người trồng lúa.
Hiện thực cho thấy, liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong việc phát triển vùng nguyên liệu lúa có nhiều vướng mắc, khó khăn.
Để ký kết vùng trồng với nhà nông, doanh nghiệp cần phải có nguồn lực rất lớn, đội ngũ lớn, cần hỗ trợ kỹ thuật, phân, thuốc cho người sản xuất và phải giám sát cho tới mùa thu hoạch. Mà hiện tại thì mọi chuyện thu gom lúa cho doanh nghiệp đều thông qua "cò", doanh nghiệp không liên kết trực tiếp với nông dân.
Người nông dân thu hoạch lúa chín
Về phía người nông dân thì họ cũng không muốn liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra. Có một số nguyên nhân: Doanh nghiệp không linh hoạt tăng giá khi thị trường biến động, trong khi đó các "cò" lúa sẵn sàng đặt cọc mua lúa từ rất sớm, chốt giá rất nhanh. Các thương lái rất nhạy với các biến động trên thị trường, họ có thể mua "lúa non" của người dân, thậm chí đặt cọc trước cho những thửa ruộng mới gieo.
Thực tế doanh nghiệp không phải không muốn liên kết với nông dân nhưng vì điều kiện không cho phép, không đủ tiềm lực tài chính, không có vốn. Các chuyên gia đều có đánh giá chung như sau: Việc hai bên, sản xuất và kinh doanh gần như không có sự liên kết với nhau chính là nguyên nhân các doanh nghiệp sản xuất thường xuyên bị hai sức ép: sức ép mua lúa của nông dân và sức ép bán gạo để có tiền mua lúa, dẫn đến bị phụ thuộc và bị ép vào các trường hợp bất lợi khi có biến động trên thị trường.

Những giải pháp của Chính phủ

Sputnik: Ông có thể cho đánh giá về các giải pháp mà Chính phủ Việt Nam thực hiện để vừa đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn giá gạo tại thị trường nội địa và tranh thủ những cơ hội xuất khẩu?
TS kinh tế Lê Hòa: Trong hơn một tháng qua, giá gạo đã tăng hơn 2.000 đồng/kg, giá gạo xuất khẩu đầu tháng 8/2023 tăng lên hơn 660 USD/tấn. Dù vậy, doanh nghiệp lại gặp khó trong thu mua lúa đáp ứng đơn hàng vì lượng lúa gạo trong nước cung không đủ cầu. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đây giá cao nhưng vẫn lỗ do giá gạo trong nước tăng liên tục. Vì vậy, bình ổn giá gạo trong nước hiện là yêu cầu cấp bách được đặt ra.
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Cơ hội xen lẫn thách thức cho Việt Nam
Đầu tháng 8/2023, Thủ tướng Việt Nam đã ra Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong tình hình hiện nay. Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị này là việc chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo. Theo đó Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật; theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Liên quan đến vấn đề hỗ trợ kịp thời người sản xuất và các thương nhân, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá, hỗ trợ người sản xuất lúa, xuất khẩu gạo và các thương nhân theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Chính phủ đã có nghị định 107/2018/NĐ-CP về liên kết sản xuất. Theo đó, liên quan tới quy định về liên kết sản xuất, chỉ cần áp dụng đúng và có một chút sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới là có được khung pháp lý để nông dân và doanh nghiệp thực hiện.
Rất cần có quy định chặt chẽ, cụ thể về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, chất lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu. Ví dụ, chỉ khi có hợp đồng liên kết, doanh nghiệp mới được xuất khẩu. Điều này sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa và giữ uy tín cho gạo Việt Nam.
Thảo luận