Đây là lời khuyên của ông Sergei Mukhametov, giảng viên cao cấp ngành Đại dương học thuộc Khoa Địa lý Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov.
Trước đó chính phủ Nhật Bản thông báo ý định bắt đầu xả nước từ nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố Fukushima-1 ra biển từ ngày 24/8 nếu không gặp trở ngại thời tiết.
"Căn bệnh Minamata là một câu chuyện rất nổi tiếng và Nhật Bản, quốc gia đã trải qua chuyện này, nên hết sức cẩn thận với nó. Đúng là họ sẽ theo dõi tình hình, tuy nhiên tritium là chất phóng xạ. Nhìn bề ngoài thì nó an toàn, nhưng nếu nó xâm nhập vào cơ thể với số lượng lớn thì vẫn có thể gây tác hại", - ông Mukhametov nói.
Năm 1956, do một nhà máy hóa chất xả nước thải nhiễm chất thủy ngân ra Vịnh Minamata của Nhật Bản trong một thời gian dài nên nhiều người dân thành phố được phát hiện có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân, cụ thể là ngộ độc metyl thủy ngân có trong thịt động vật thân mềm và hải sản: suy giảm kỹ năng vận động, suy giảm thính lực. và thị lực, tổn thương cơ quan phát âm, trong trường hợp nặng có thể bị tê liệt và suy giảm ý thức. Những triệu chứng đó sau này được gọi là bệnh Minamata.
Trong vụ tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 xảy ra năm 2011, nhiên liệu hạt nhân đã tan chảy ở các lò phản ứng thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Nước được sử dụng để làm mát các lò phản ứng cũng bị nhiễm chất phóng xạ đi qua hệ thống lọc ALPS nhiều cấp, giúp lọc sạch 62 loại phóng xạ hạt nhân, ngoại trừ chất tritium (hay là triti). Tritium là chất đồng vị phóng xạ của hydro, còn được gọi là "hydro siêu nặng" hay 3H, khiến việc lọc sạch chất này trong nước trở nên khó khăn. Tritium tồn tại trong tự nhiên, do bức xạ beta yếu nên tác động của nó đối với con người bị hạn chế, nhưng lại rất nguy hiểm nếu xâm nhập vào cơ thể.