Tại sao các hàng xóm lo ngại và chống lại
Nước tích tụ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau vụ tai nạn năm 2011 có chứa chất phóng xạ Tritium. Không thể loại bỏ hoàn toàn chất này khỏi nước nhưng cơ quan chức năng Nhật Bản cam đoan rằng nồng độ Tritium trong nước thấp hơn chuẩn an toàn cho phép. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về tính an toàn của động thái xả nước do chính quyền Nhật Bản thực hiện. Bởi toàn bộ lượng nước tích tụ sẽ xả ra trong vòng 30 năm và ai biết được điều gì có thể xảy ra trong thời gian này? Như nhận xét của ông Hideyuki Ban đại diện tổ chức phi chính phủ Nhật Bản «Trung tâm Thông tin Công dân về Hạt nhân» - «4-5 năm sau khi bắt đầu xả nước từ Fukushima, chất phóng xạ có thể lan tới tuyến bờ biển của các nước khác. Hiển nhiên là thứ nước này sẽ đến vùng Viễn Đông của Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, còn về phương nam là Việt Nam, Philippines, Đài Loan và các đảo ở Nam Thái Bình Dương. Tinh chất có thể yếu, nhưng cũng không có nghĩa là độ rủi ro sẽ bằng 0».
Còn ông Choi Kyoungsook, đại diện tổ chức xã hội Hàn Quốc «Korea Radiation Watch» thì cho rằng các chất phóng xạ chứa trong nước ô nhiễm cuối cùng sẽ phá hủy hệ sinh thái biển.
Ông Choi Kyoungsook là một trong những người tổ chức cuộc tuần hành phản đối việc Chính phủ Nhật Bản quyết định xả nước từ nhà máy điện hạt nhân ra Thái Bình Dương, sự kiện quần chúng diễn ra ở trung tâm thành phố Seoul cách đây vài ngày
Đã có chứng cứ đầu tiên cho thấy nỗi lo ngại của người Trung Quốc và Hàn Quốc không phải là vu vơ. Hồi tháng 5, tờ báo Anh The Guardian đưa tin trong một con cá vược đen đánh bắt ở ngoài khơi Nhật Bản có mức phóng xạ cao gấp 180 lần so với chỉ số chuẩn cho phép.
Phản ứng gay gắt của Bắc Kinh
Sau thông báo chính giới Tokyo bắt đầu cho xả nước nhiễm xạ ra biển, chính quyền Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu mọi thứ hải sản từ Nhật Bản. Đại diện Bộ Ngoại giao CHND Trung Hoa lên án quyết định của Chính phủ Kishida, gọi đó là «hành động vô trách nhiệm». «Không có bằng chứng nào cho thấy thiết bị lọc sạch là đáng tin cậy trong triển vọng lâu dài, và không có bằng chứng nào cho thấy dữ liệu về chỉ số nhiễm xạ là chính xác. Không có bằng chứng nào cho thấy việc xả chất thải ra biển là đảm bảo an toàn cho môi trường hải dương và sức khỏe con người», - Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. Quả thực, Tokyo từ chối không cho các chuyên gia từ Trung Quốc và các nước khác tiếp cận để nghiên cứu tình hình thực tế với nước trữ thải và những phương pháp lọc đang sử dụng tại địa phương. Phía Nhật Bản cũng không cung cấp dữ liệu cụ thể chính xác. Cứ như vậy, dường như cộng đồng thế giới đành phải tin lời Chính phủ Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida kêu gọi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng hải sản Nhật Bản. Nhưng hẳn rất ít khả năng là Bắc Kinh sẽ đồng ý với yêu cầu này. Mối quan hệ giữa hai nước hiện nay không thể coi là «tình láng giềng hữu hảo» nữa rồi. Chính trị cũng có ý nghĩa quan trọng ở đây.
Đông đảo người Nhật phản đối
Một bộ phận đáng kể trong cư dân Nhật Bản không ủng hộ quyết định xả nước thải Fukushima của Chính phủ Kishida. Họ lo ngại những hậu quả kinh tế từ giải pháp này. Trước đó, Trung Quốc mua hải sản từ Nhật Bản, trị giá 600 triệu USD mỗi năm. Hồng Kông hàng năm vốn cũng thường mua hải sản do Nhật Bản xuất khẩu trị giá hơn 500 triệu USD, nay cũng đã áp đặt lệnh cấm nhập hải sản từ Nhật Bản. Như vậy, ngay lúc này đã có thể ước tính thiệt hại mà ngư dân Nhật Bản sẽ phải gánh chịu do quyết định của Chính phủ Kishida. Vì thế, không ngẫu nhiên mà «Liên đoàn Hợp tác xã Ngư nghiệp Quốc gia Nhật Bản» lại đi tiên phong trong cuộc biểu tình phản đối việc xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Một nhóm luật sư Nhật Bản dự kiến cùng với các ngư dân yêu cầu công ty Tepco, đơn vị đang thực hiện kế hoạch xả nước của Chính phủ, phải dừng ngay việc này.
Theo kết quả các cuộc khảo sát xã hội học, 88% người Nhật được hỏi ý kiến tỏ ra rất bất an về hậu quả kinh tế sau quyết định xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Tuy nhiên, chính quyền Kishida khó có thể chấm dứt hoạt động về loại bỏ nước nhiễm xạ. Trong khuôn khổ của «chương trình nghị sự xanh» hiện nay, Nhật Bản cần khôi phục năng lượng hạt nhân. Chính phủ có kế hoạch hồi sinh nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Nhưng sai lầm mang tính hệ thống của chính giới Tokyo là thái độ kiêu ngạo với người dân trong nước và cư dân các quốc gia láng giềng, không sẵn sàng giải thích một cách trung thực cho thế giới biết những gì họ sẽ làm và làm như thế nào.