Các nhà khoa học cho biết, khí thải có nguồn gốc từ các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nan giải của thế giới. Những chất độc hại tích tụ trong đất, nước và thực phẩm gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và cây trồng.
Các chuyên gia giải thích, khí thải có nguồn gốc từ các nhà máy nhiệt điện, ngoài carbon dioxide và nước, còn chứa nhiều loại bụi thải, khí thải, oxit lưu huỳnh, nitơ và các kim loại khác nhau.
Theo các nhà khoa học, đến nay có rất ít nghiên cứu có hệ thống về sự “di cư” của lượng khí thải như vậy trong môi trường và sự tích tụ của chúng trong thực vật. Một trong những dự án chiến lược của chương trình phát triển SFU “Ưu tiên-2030” là “Quản lý tài nguyên đất và khí hậu học nông nghiệp”. Các nhà khoa học từ Học viện Sinh học và Công nghệ sinh học mang tên D.I. Ivanovsky thuộc SFU đang thực hiệc dự án này, phát triển các phương pháp mới để đánh giá tác động của khí thải gây ô nhiễm đến năng suất cây trồng.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Liên bang miền Nam (SFU) và Đại học Amity (Ấn Độ) đã phân tích tác động của huyền phù phát ra từ nhà máy nhiệt điện đến năng suất lúa mì được trồng trong bán kính 10 km tính từ nhà máy.
“Trong suốt mùa sinh trưởng của lúa mì, chúng tôi đã quan sát quá trình phát triển cây trồng, sự xâm nhập của sâu bệnh cũng như quá trình lắng đọng huyền phù. Trong suốt hai năm, chúng tôi cũng theo dõi những thay đổi về năng suất và các chỉ số sinh hóa bổ sung của lúa mì”, - bà Tatyana Minkina, Trưởng bộ môn khoa học đất và đánh giá tài nguyên đất thuộc đại học SFU, cho biết.
Chất ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện tích lũy trong mô thực vật
Kết quả nghiên cứu cho thấy các chất ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện lan truyền trong bán kính 10 km, tích lũy trong mô thực vật.
“Trong khu vực trồng thử nghiệm, chúng tôi ghi nhận hàm lượng ozone và chất dạng hạt cao. Những chất này ảnh hưởng đến hàm lượng chất diệp lục và hàm lượng nước trong cây trồng, nhưng cũng làm tăng chỉ số chống ô nhiễm không khí của lúa mì. Nói cách khác, cây trồng cho thấy khả năng “làm quen” với khí thải”, - chuyên gia Tatyana Minkina lưu ý.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, hàm lượng chất diệp lục trong lúa mì đã giảm rõ rệt, điều này cho thấy năng suất bị giảm, tức là giảm lượng sinh khối.
"Chúng tôi cũng thu được kết quả so sánh về mức độ chống chịu các loại ô nhiễm của các giống lúa mì khác nhau. Mức độ tác động của các loại ô nhiễm phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của cây trồng với các hạt bụi ảnh hưởng đến một số thông số sinh hóa", - nhà nghiên cứu hàng đầu của đại học SFU Vishnu Rajput cho biết.
Kết quả này được đưa vào bài nghiên cứu khoa học tại Phòng thí nghiệm sức khỏe đất của Đại học Liên bang miền Nam, các nhà khoa học cho biết. Trong tương lai gần, nhóm nghiên cứu dự định tiếp tục nghiên cứu tác động của khí thải từ nhà máy nhiệt điện đến các loại cây trồng nông nghiệp khác nhau.