Lãi suất Việt Nam cao gấp 4 lần Mỹ dù lạm phát chỉ bằng 1/3
Theo chuyên gia, Việt Nam vẫn còn tiềm năng hạ lãi suất. Lạm phát của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Mỹ, đó là một điều bất thường trong lịch sử.
SputnikTS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đây cũng là cơ sở để lãi suất của Việt Nam ngang bằng với lãi suất tại Mỹ và thậm chí là thấp hơn.
Việt Nam lạm phát chỉ bằng 1/3 của Mỹ nhưng lãi suất lại cao gấp 4 lần
Tại Việt Nam,
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần liên tiếp hạ lãi suất đi ngược với xu hướng liên tục tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát và suy thoái kinh tế.
Giới quan sát ghi nhận, hiếm khi nào lãi suất điều hành của Việt Nam lại ngang bằng với Mỹ trong khi trước đây lãi suất tại Việt Nam luôn cao hơn Mỹ.
Đánh giá về diễn biến quan trọng này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, lãi suất điều hành của Việt Nam chưa bao giờ ngang bằng với Mỹ và cũng chưa bao giờ Việt Nam có lạm phát thấp hơn Mỹ như giai đoạn này.
Phát biểu tại hội thảo "Tích luỹ vị thế - sẵn sàng bùng nổ" sáng 26/8 do Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu xét đến lãi suất thực Việt Nam vẫn ở mức cao hơn.
Cụ thể, lãi suất cho vay kỳ hạn 30 năm ở Mỹ chỉ có 7% còn ở Việt Nam lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm khoảng 11-12%. Trong khi đó, lạm phát Việt Nam là 3% của Mỹ là 4%.
Như vậy, dù lãi suất điều hành ngang nhau nhưng
lãi suất thực của Việt Nam vẫn cao hơn tại Mỹ.
"Về lãi suất, tính toán cho thấy lãi suất thực Việt Nam hiện tại là 8% cao nhất thế giới, lãi suất thực của Mỹ chỉ 2%. Doanh nghiệp Việt Nam đang gánh lãi suất thực 8% cao gấp 4 lần của Mỹ", - VnEconomy dẫn ý kiến TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Thêm vào đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam vẫn còn tiềm năng hạ lãi suất.
"Hiếm khi chúng ta có vị thế lạm phát của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Mỹ, lạm phát của Mỹ đỉnh điểm ở mức gần 10% trong khi Việt Nam chỉ 3,31%, đó là một điều bất thường trong lịch sử. Đây cũng là cơ sở để lãi suất của Việt Nam ngang bằng với lãi suất tại Mỹ và thậm chí là thấp hơn", - chuyên gia bày tỏ.
TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ rõ, hiện
lãi suất mới chỉ ngang bằng với thời điểm đầu năm ngoái, trước khi NHNN tăng lãi suất để đối phó với vấn đề tỷ giá. Dòng tiền của các doanh nghiệp hiện phần lớn là âm, đây là dấu hiệu suy thoái nhưng có thể phục hồi.
Tuy nhiên, nếu áp vào các điều kiện cho vay thì nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được, dẫn đến không tiếp cận được với dòng vốn tín dụng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng tăng rất thấp trong 7 tháng đầu năm.
Chuyên gia thẳng thắn, nếu doanh nghiệp không tiếp cận được với nguồn vốn, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng lên, doanh nghiệp nợ đọng nhau khá nhiều.
TS. Nghĩa nhấn mạnh, lãi suất tiền gửi hiện đã giảm khá tích cực nhưng lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm tiếp. Nguyên nhân là do có độ trễ về chính sách, các ngân hàng vừa huy động lãi suất tiền gửi ở mức rất cao nên lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay. Bên cạnh đó, nợ xấu cũng có rủi ro gia tăng nên các ngân hàng phải giữ cho vay ở mức tương đối.
"Tôi không đồng tình với nhận định rằng chúng ta đã hết tiềm năng để giảm lãi suất. Hết thế nào được, tại sao để doanh nghiệp Việt Nam chịu lãi suất vậy làm sao cạnh tranh nổi làm sao mà sống được? Tôi không phân tích đi sâu vì nhạy cảm. Chúng tôi kiên trì kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất hiện nay lãi suất tiền gửi giảm khá tích cực nhưng lãi suất cho vay rất cao, lý do vì họ huy động tiền gửi cao nên chưa thể giảm lãi suất thấp nhưng còn lý do khác nợ xấu đang còn lớn không thu hồi về được nên buộc duy trì lãi suất cho vay cao dù không ai vay ít người vay, để giữ cho được khung lợi nhuận theo kế hoạch", - chuyên gia lý giải.
Cung tiền thấp
Một điểm nữa là cung tiền (M2) hiện nay vẫn đang rất thấp. Thông thường, cung tiền phải ngang bằng với GDP danh nghĩa tức là GDP tính theo giá hiện hành, nghĩa là phải đạt khoảng 7% nhưng hiện cung tiền thực tế mới chỉ tăng chưa tới 3%.
Ông Nghĩa chỉ rõ, vòng quay tiền mấy năm gần đây cũng tương đối chậm, hiện ở mức 0,64 vòng/năm thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình 2,3-2,5 vòng, dẫn đến thanh khoản cả thị trường ảm đạm.
"Chu kỳ trước thấp nhất chỉ 1,8 nên cả thị trường không có thanh khoản. Thanh khoản bị kẹt, nó giống như nước trong bình không có nên có vặn vòi thoải mái nó cũng không chảy. Giảm lãi suất, nới room tín dụng chỉ là vặn vòi trong khi nước trong bình ít nên chỉ rỉ rỉ vậy thôi. Tăng cung tiền, giảm lãi suất vẫn là giải pháp quan trọng để phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam", - TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.
Kỳ vọng đầu tư công
Nhận định thêm về tình hình kinh tế vĩ mô, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đồng tình với dự báo nền kinh tế thế giới sẽ có xu hướng đi ngang hoặc đi lên.
Cụ thể, Fitch Ratings cho rằng kinh tế thế giới đang đi xuống, năm 2024 tăng trưởng thấp hơn năm nay;
World Bank dự báo kinh tế thế giới đang đi lên 2024 khá hơn năm nay; IMF dự báo năm nay và năm sau đi ngang.
Theo quan sát của TS. Lê Xuân Nghĩa, trong lịch sử, khi kinh tế thế giới đi ngang hoặc đi lên thì kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt.
"Xu hướng đi ngang hoặc đi lên có vẻ như thắng thế và thống kê 4 lần gần đây hễ kinh tế thế giới đi ngang hoặc đi lên thì kinh tế Việt Nam đi lên một cách rõ ràng", - TS. Lê Xuân Nghĩa dự đoán GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,3-5,5% trong năm 2023, và 6% vào năm 2024.
"Thời gian qua, Chính phủ đã có những hành động cụ thể để hỗ trợ thị trường trái phiếu, bất động sản, giúp lòng tin thị trường tăng lên. Tinh thần của doanh nghiệp không bị đánh sập và sẽ tạo ra sức bật mạnh mẽ", - chuyên gia tin tưởng.
Nửa cuối năm 2023, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng có ba động lực chính sẽ dẫn dắt kinh tế hồi phục.
Đầu tiên là
nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam phục hồi nhanh hơn so với mức chung của thế giới. Các tín hiệu gần đây cho thấy lượng đơn hàng của các doanh nghiệp FDI đang tăng lên, đặc biệt trong ngành điện tử.
Thứ hai là vốn đầu tư công, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc giải ngân nguồn vốn này. Theo TS Nghĩa, sau khi "giải phóng" được tâm lý sợ trách nhiệm của địa phương, đầu tư công đã khởi sắc rõ rệt.
Thứ ba là cầu tiêu dùng. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh cùng với yếu tố mùa vụ trong mùa mua sắm cuối năm sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế Việt Nam.