Ấn phẩm viết rằng, theo các nhà khoa học tham gia thí nghiệm, thiết bị terahertz phát hiện những rung động bề mặt cực nhỏ được tạo ra bởi một nguồn âm thanh tần số thấp ở vùng biển khơi.
Được biết, bức xạ terahertz nằm trong dải tần giữa bức xạ vi sóng và hồng ngoại, và công nghệ terahertz đã được đề xuất như một giải pháp tiềm năng để đạt được tốc độ truyền dữ liệu cao và độ trễ thấp cho thế hệ công nghệ truyền thông tiếp theo hoặc 6G.
Tin cho biết, tín hiệu điện từ trong phạm vi này không chỉ mang nhiều thông tin hơn các phương thức liên lạc hiện có mà còn có thể thu thập thông tin về môi trường.
Không rõ về thời điểm thực hiện thí nghiệm, nhưng được biết rằng sự kiện diễn ra ở Hoàng Hải gần bờ biển thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc. Các nhà khoa học quân sự đã sử dụng nguồn âm thanh nhân tạo để mô phỏng tiếng ồn do tàu ngầm tạo ra.
Các nhà khoa học giải thích rằng khi tàu ngầm di chuyển với tốc độ cao, nó tạo ra tiếng ồn lan truyền xuống mặt nước và gây ra các rung động trên mặt nước, nhưng khi chạm tới mặt nước, các rung động trở nên cực kỳ yếu nên trước đây người ta vẫn cho rằng không thể phân biện chúng với sóng tự nhiên của đại dương.
Trong quá trình thí nghiệm, các nhà khoa học sử dụng cảm biến terahertz có thể ghi lại các xung nhân tạo với biên độ từ 10 đến 100 nanomet.
Theo các nhà khoa học, một thiết bị như vậy có thể được trang bị cho máy bay không người lái, nó cũng có thể hoạt động kết hợp với các phương pháp phát hiện tàu ngầm khác, chẳng hạn như máy dò dị thường từ tính, radar vi sóng hoặc laser. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, ngoài các phương pháp phát hiện hiện có, thiết bị này có thể cung cấp thông tin quan trọng để phát hiện và nhận dạng tàu ngầm.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ này có thể được sử dụng để liên lạc dưới nước, chẳng hạn như khi tàu ngầm cần thiết lập liên lạc với máy bay để phối hợp hành động trong một hoạt động quân sự.