Cụ thể, các quan chức ngoại giao Nhật Bản đang xem xét đưa các quốc gia, bao gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Mông Cổ và Djibouti vào danh sách nhận viện trợ an ninh của năm tài chính 2024. Đây là những quốc gia được nhận định là đối tác địa chính trị quan trọng của Nhật Bản.
Khoản hỗ trợ sẽ được cung cấp theo chương trình viện trợ an ninh chính thức, nhằm giúp các quốc gia tiếp nhận nâng cao năng lực cảnh báo và giám sát trong lãnh thổ của mình, cũng như các lĩnh vực chống khủng bố và chống cướp biển.
Cụ thể, chương trình sẽ cung cấp thiết bị quốc phòng, như hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh, thiết bị radar và tàu tuần tra, cùng một số hình thức hỗ trợ khác, như xây dựng cảng phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự.
Chính phủ Nhật Bản mong muốn tăng cường năng lực quốc phòng cho các quốc gia thân thiện được lựa chọn, chủ yếu là nước đang phát triển.
Trong năm tài chính 2023, các nước như Philippines, Malaysia, Bangladesh và Fiji dự kiến sẽ nhận viện trợ an ninh từ Nhật Bản. Cụ thể, hơn 2 tỉ yen (khoảng 13,6 triệu USD) đã được phân bổ trong ngân sách chính phủ ban đầu.
Như vậy, có thể thấy trong 2024 Nhật Bản sẽ nâng khoản viện trợ lên gấp đôi so với khoản dành cho 4 quốc gia đang được hỗ trợ trong năm tài khóa 2023.
Bên cạnh đó, chính phủ và các đảng cầm quyền Nhật Bản đang xem lại 3 nguyên tắc về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng, để mở rộng chủng loại vũ khí mà Nhật Bản có thể xuất khẩu.
Nêu quan điểm với báo chí, ông Tsutomu Kikuchi - học giả về chính trị quốc tế và giáo sư danh dự Đại học Aoyama Gakuin - cho biết "đối trọng quyền lực" là cần thiết để Nhật Bản chung sống với Trung Quốc, không phải để đối kháng với nước này.
"Hỗ trợ an ninh chính thức (OSA) sẽ là động lực để Trung Quốc thực hiện các kiềm chế, từ đó dẫn đến hòa bình và an ninh trong khu vực", ông Kikuchi nêu.