VinFast báo lỗ, cổ phiếu VFS lao dốc, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng bốc hơi

Cổ phiếu VFS của VinFast Auto niêm yết trên sàn Nasdaq lao dốc phiên thứ ba liên tiếp, chốt phiên thị giá mất 6,56 USD/cổ phiếu, tương đương giảm 15,90%, còn 34,71 USD/cổ phiếu.
Sputnik
Giá trị vốn hoá của hãng xe điện VinFast từ Việt Nam giảm xuống còn 80,6 tỷ USD, sau khi lập đỉnh trên 190 tỷ USD hôm đầu tuần.
Cổ phiếu VinFast tiếp tục mất hơn 57%, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận trong ngày 1/9 (theo giờ Việt Nam) là 6 tỷ USD, bốc hơi hàng tỷ đô so với mốc 39 tỷ đô la hôm 30/8, tụt xuống thứ hạng 446 người giàu nhất thế giới.

Cổ phiếu VinFast lao dốc

Cập nhật thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy, cổ phiếu VinFast tiếp tục giảm ngày thứ ba liên tiếp.
VSF của tỷ phú Vượng mất hơn 57% so với hồi đầu tuần này trong bối cảnh hãng xe điện Việt Nam vừa báo lỗ 18.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.
Theo diễn biến thị trường, sau khi mất gần 11% trong ngày 30/8, trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa thị trường ngày 31/8, cổ phiếu VFS của VinFast Auto trên sàn Nasdaq (Mỹ) tiếp tục chịu áp lực bán tháo mạnh.
Cập nhật thời điểm 8h30 sáng (theo giờ địa phương tại Mỹ), giá cổ phiếu VFS giảm sốc và lao về mốc 35 USD/cổ phiếu, tương đương giảm gần 16% so với mức giá đóng cửa ngày 30/8 nhưng thanh khoản giao dịch tăng vọt.
Cổ phiếu VinFast lao dốc
Cũng tại vùng giá này bắt đầu xuất hiện lực cầu bắt đáy, giúp đẩy thị giá cổ phiếu VFS phục hồi.
Bước vào phiên giao dịch chính thức, giá mở cửa của cổ phiếu VFS được niêm yết ở mức 44,3 USD/cổ phiếu. Dù vậy, bên bán và bên mua vẫn ở thế giằng co.
Đến đầu giờ chiều, áp lực bán mạnh đột ngột xuất hiện đã đẩy giá cổ phiếu VFS có lúc giảm về dưới 33 USD/cổ phiếu.
Đóng cửa thị trường ngày 31/8, thị giá cổ phiếu VFS ghi nhận ở mức 34,71 USD/cổ phiếu, giảm 15,9% so với mức giá đóng cửa ngày 30/8, với thanh khoản đạt 6,46 triệu đơn vị. Qua đó, xác lập mạch giảm giá kéo dài ngày thứ 3 liên tiếp.

VinFast báo lỗ

Theo giới quan sát, áp lực bán tháo cổ phiếu VFS có thể đến từ việc Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast Việt Nam – doanh nghiệp cốt lõi sản xuất và kinh doanh xe VinFast) báo lỗ sau thuế hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 750 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm nay.
Con số nêu tại báo cáo cho thấy mức này cao hơn mức lỗ 12.800 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2022.
Theo đà giảm, cập nhật bảng xếp hạng giá trị vốn hoá thị trường của các doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, hãng xe điện VinFast hiện đã tụt thêm 2 bậc, xuống vị trí thứ 5, nhưng vẫn đang xếp trên nhiều hãng xe nổi tiếng khác của thế giới như BMW, Mercedes-Benz, Ford, Honda…
Vốn hoá VinFast "bốc hơi" 83 tỷ USD sau phiên giảm điểm
Tại cập nhật vào lúc 16h chiều ngày 1/9 (theo giờ Việt Nam), VinFast hiện đứng thứ 2 chỉ sau Tesla, vượt trên Li Auto (Trung Quốc), Rivian (Mỹ), Nio, Xpeng (Trung Quốc).
Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, việc cổ phiếu VFS liên tục biến động mạnh có nguyên nhân lớn nhất là “sự khan hiếm”. Mặt khác, cổ phiếu VFS thuộc nhóm cổ phiếu xe điện là lĩnh vực được nhiều nhà giao dịch nhỏ lẻ và giới đầu cơ trên thị trường tài chính quốc tế ưa chuộng do các triển vọng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai.
Kết hợp với sự khan hiếm, điều này có thể dẫn đến những đợt “kéo - xả” cổ phiếu nguy hiểm đối với nhà đầu tư, theo nhận định của một số chuyên gia phân tích.
VinFast Auto hiện đang nắm giữ 99% vốn của VinFast Việt Nam. Bloomberg nêu, giá cổ phiếu VinFast tăng cao vì số lượng cổ phiếu giao dịch quá nhỏ, chỉ vài triệu cổ phiếu so với 2,3 tỷ cổ phiếu được lưu hành.
Theo thông tin trên tạp chí Công Thương của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng và nhóm các công ty liên quan tới Tập đoàn Vingroup đang nắm giữ chiếm hơn 99% tổng lượng cổ phiếu của VinFast Auto, chỉ có dưới 1% tổng số cổ phiếu VFS được tự do giao dịch “free float”.
Cần lưu ý rằng, cơ cấu cổ đông cô đặc đồng nghĩa nếu một nhà đầu tư mua vào hoặc bán ra một lượng cổ phiếu đủ lớn cũng có thể khiến giá cổ phiếu của hãng xe điện Việt Nam biến động mạnh.
“Bất kỳ ai mua vào 100.000 cổ phiếu VFS cũng có thể khiến giá dịch chuyển”, Nicholas Colas, nhà đồng sáng lập của hãng nghiên cứu dữ liệu DataTrek Research nêu.

Forbes tính lại tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Có thể thấy, chốt ở mức giá đóng cửa đầu tuần này ngày 28/8, thị giá cổ phiếu VFS hiện đã giảm 57,8%, kéo theo đó là giá trị vốn hoá thị trường của VinFast giảm hơn 110 tỷ USD, xuống chỉ còn 80,6 tỷ USD.
Trong khi đó, nếu so với mức đỉnh giá 93 USD/cổ phiếu được xác lập trong ngày 28/8 thì giá cổ phiếu VFS hiện chỉ còn khoảng 1/3.
Trong khi đó, trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của Forbes, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm xuống còn 6 tỷ USD.
Forbes tính lại tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Sau khi VinFast lên sàn, hôm 31/8, Forbes đã cập nhật tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng thông qua số cổ phần sở hữu tại VinFast.
Có thể thấy tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tục tăng/giảm theo diễn biến giá cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq.
Sáng ngày 30/8 theo giờ Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng được thống kê là có khối tài sản 39 tỷ USD, đứng hạng 30 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh.
Với khối tài sản ước tính vào khoảng 39 tỷ USD này, ông Phạm Nhật Vượng là người giàu thứ 4 châu Á sau khi vừa vươn lên vị trí thứ 2 vào ngày 30/8 với 66 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến tối 31/8, Forbes đã điều chỉnh giá trị của ông chủ VinFast chỉ còn 6,7 tỷ USD, xếp hạng 396 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới.
Forbes cũng đã loại trừ biến động giá trị cổ phiếu VinFast ra khỏi tính toán giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng.
Cập nhật theo thời gian thực ngày 1/9 (theo giờ Việt Nam), Forbes ghi nhận người giàu nhất Việt Nam vẫn đang sở hữu khối tài sản 6 tỷ USD, xếp thứ 446 người giàu nhất thế giới.
Thảo luận