Thêm nhiều doanh nghiệp Việt lên sàn chứng khoán ngoại

Nhiều doanh nghiệp Việt sẽ “xuất ngoại” cổ phiếu trong 5 năm tới.
Sputnik
HÀ NỘI (Sputnik) – Việt Nam hiện đang có nhiều DN xuất khẩu hướng đến các thị trường quốc tế khác nhau, nơi được nhìn nhận có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai. Trao đổi với Sputnik,Phó Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, trong 5-10 năm nữa, việc các DN niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại sẽ ngày một nhiều và rõ nét hơn.

Giấc mơ không của riêng ai

Câu chuyện một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam có nhu cầu phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc có nhiều DN Việt niêm yết tại thị trường nước ngoài sẽ tạo được uy tín cho quốc gia, thu hút dòng vốn ngoại và nâng tầm vị thế DN Việt trên thị trường quốc tế.
Thực tế, VinFast không phải là DN đầu tiên được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Trước đó, đến tháng 9/2009, cổ phiếu của CTCP xây dựng và đầu tư Việt Nam (Cavico) với mã CAVO chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 2 năm Cavico phải rời sàn Nasdaq vào tháng 7/2011 do vi phạm những yêu cầu về công bố thông tin.
Sau khi Cavico rời sàn Nasdaq cho đến khi VinFast niêm yết thành công, Việt Nam vẫn chưa có thêm DN nào xuất hiện trên các thị trường chứng khoán quốc tế. Dù trước đó, nhiều ông lớn như Bamboo Airways. Thaiholdings, Vietjet, Hoàng Anh Gia Lai, SSI cũng từng công bố kế hoạch về việc muốn đưa cổ phiếu lên các sàn chứng khoán quốc tế như Singapore, Hong Kong, London.
Việc IPO thành công tại các nước phát triển, đặc biệt tại Mỹ là giấc mơ của nhiều DN Việt. Việc niêm yết tại Mỹ là cơ hội tiếp cận với nguồn vốn lớn cũng như tăng giá trị của công ty trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện hoặc đủ quyết tâm để đạt được danh vọng đó. Bởi lẽ, để được chấp thuận niêm yết trên Nasdaq (Mỹ), DN phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về quy mô, tài chính hay quản trị. Đây là đánh giá của Phó Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) – ông Đỗ Bảo Ngọc khi trao đổi với Sputnik.

“Cụ thể, các DN muốn niêm yết trên thị trường ngoại cần đảm bảo các tiêu chuẩn kiểm toán, kế toán và công bố thông tin theo chuẩn quốc tế,... Để đạt được những tiêu chí này, DN Việt cần rất nhiều nỗ lực: từ việc thay đổi hệ thống quản trị, chuẩn hóa quốc tế báo cáo tài chính hay công bố thông tin.

Ngoài ra, cần có bộ phận để quản lý cổ đông nước ngoài hay quan hệ cổ đông, quan hệ định chế nước ngoài,... Điều này đòi hỏi các DN cần có năng lực tài chính đủ lớn. Bởi vậy, ở đây các DN phải xuất phát từ nhu cầu rất thực tế mới tính đến việc niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại”.

Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt nắm giữ bao nhiêu vốn hóa?

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

VinFast là ví dụ điển hình khi “đánh” vào thị trường Mỹ. Mục tiêu hướng đến là huy động nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư Mỹ cho việc sản xuất. Đến thời điểm này phần nào cho thấy hiệu ứng tích cực. Bản thân DN này cũng đã tiếp cận những định chế tài chính, để thông qua nhận cổ phần ưu đãi hay thế chấp cổ phần để thực hiện các khoản vay. Có thể nói, việc VinFast niêm yết thành công trường vốn quốc tế không chỉ là cơ hội huy động vốn mà còn góp phần truyền cảm hứng để DN Việt “vươn ra biển lớn”.

“Việt Nam hiện đang có nhiều DN xuất khẩu hướng đến các thị trường quốc tế khác nhau, nơi được nhìn nhận có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai. Câu chuyện của VinFast như một tiếng vang, một ví dụ điển hình cho các DN có mục tiêu vươn tầm quốc tế, để họ mạnh dạn đưa cổ phiếu của mình lên sàn chứng khoán Mỹ”, ông Đỗ Bảo Ngọc cho hay.

Đáng chú ý, ngay sau khi VinFast chính thức giao dịch trên Nasdaq, hồ sơ IPO của công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam VNG cũng đã được nộp lên Ủy ban giao dịch Chứng khoán Mỹ. Nhà phát hành game hàng đầu Việt Nam đặt mục tiêu huy động khoảng 150 triệu USD thông qua đợt IPO. Dự kiến niêm yết cổ phiếu vào cuối tháng 9 hoặc tháng 10.
Nhu cầu huy động vốn quốc tế hoặc nhu cầu đưa sản phẩm hàng hóa của mình phục vụ thị trường quốc tế là những mục tiêu lớn, là động lực khiến DN Việt Nam đưa cổ phiếu công ty niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại.
“Tại giai đoạn này, các DN Việt không dễ huy động vốn trong nước do chính sách tiền tệ của Nhà nước đang rất thận trọng. Ngoài ra, nguồn lực trong nước không đủ lớn để DN huy động. Hướng ra quốc tế là điều dễ hiểu. Bản thân đội ngũ cổ đông của công ty này cũng bao gồm cả công ty nước ngoài. Phục vụ các thị trường quốc tế, đương nhiên Mỹ là thị trường tốt để gia nhập. Thậm chí, họ kêu gọi gốn từ các nhà đầu tư tại đây để phục vụ cho việc mở rộng các dự án mới và đầu tư thêm cho các dự án họ đang vận hành”, ông Ngọc phân tích.
Trong quá trình phát triển kinh tế, với những DN có quy mô lớn, việc niêm yết tại thị trường quốc tế là một xu hướng để các DN này thỏa mãn về nhu cầu gọi vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh trên thị trường ngoại. Đồng thời, đưa tên tuổi sản phẩm dịch vụ đến gần hơn công chúng khu vực đó.

Xu hướng rõ nét trong 5 năm tới

Về triển vọng các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên thị trường ngoại, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc CSI nhận định với Sputnik rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng cùng vai trò ngày càng lớn, bản thân nội tại đất nước cũng đã có những DN tỷ đô; việc mở rộng ra thị trường nước ngoài và niêm yết trên các sàn ngoại là xu thế tất yếu, ngày càng rõ nét trong tương lai.
“Từ trước đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp nào niêm yết thành công điển hình như VinFast nên có thể còn thấy lạ lẫm. Tương lai, việc các DN niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại sẽ ngày một nhiều và rõ nét hơn, ví dụ những DN lớn như Hòa Phát, FPT, Thế giới di động,... Những DN đã mở rộng thị trường quốc tế bằng các hoạt động kinh doanh. Tương lai, nếu họ cần huy động vốn, tôi nghĩ họ cũng sẽ tính toán đến việc niêm yết trên sàn chứng khoán tại các quốc gia đó. Đây là xu hướng có thể nhìn thấy trong vòng 5-10 năm tới”.
Thảo luận