Theo báo cáo của Counterpoint Research, Samsung là nguyên nhân lớn nhất khiến lượng điện thoại made in Vietnam giảm.
Samsung là nguyên nhân khiến xuất khẩu điện thoại Việt Nam giảm
Dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm giảm 67,6% xuống còn 670 triệu USD so với một năm trước.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng năm nay (gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2023, FDI từ các nhà đầu tư Hàn Quốc đạt 459,2 triệu USD, chiếm 5,2%.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research nêu tại một báo cáo vào tháng trước, Samsung là nguyên nhân chính dẫn đến lượng xuất xưởng điện thoại thông minh sản xuất tại Việt Nam giảm 23,1% so với cùng kỳ trong quý I.
Chuyên gia phân tích nghiên cứu cấp cao Ivan Ram của Counterpoint lưu ý, Samsung, hãng thống trị doanh số điện thoại di động “Made in Vietnam”, là tác nhân lớn nhất dẫn đến sự sụt giảm. Doanh số của Samsung giảm 22,5%, chủ yếu ở danh mục điện thoại thông minh.
Nhóm hàng điện thoại mất ngôi vương
Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 8 tháng năm nay gặp nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 và biến động chính trị-quân sự trên thế giới nên giảm khá sâu so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 của Việt Nam.
Và tính đến tháng 5/2023 thì mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã tiếp tục vượt qua điện thoại và linh kiện để trở thành nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (đạt 20.5 tỷ USD, vượt qua điện thoại và linh kiện đạt 20,2 tỷ USD).
Tổng Cục Thống kê lưu ý, điện tử, máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong khi nhiều ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang nỗ lực hồi phục sau dịch bệnh Covid-19.
Đặc biệt trong 8 tháng năm nay, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 36,2 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm thấp nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Trong 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%, thấp hơn mức giảm 5,1% của 5 tháng, 4,6% của 6 tháng và 4,3% của 7 tháng.
Nhà máy Samsung Việt Nam giảm doanh thu
Công ty Điện tử Samsung (Samsung Electronics Co.) vừa báo cáo lợi nhuận hoạt động trong nửa đầu năm nay giảm 20,2%.
4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam cũng ghi nhận suy giảm về doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn này.
Như đã nêu, Samsung hiện có 6 nhà máy tại Việt Nam gồm: Samsung Electronics Vietnam (SEV), Samsung Display Vietnam (SDV), Samsung SDI Vietnam (SDIV) ở Yên Phong, Bắc Ninh; Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên (SEVT), Samsung Electro-Mechanics (SEMV) tại Phổ Yên, Thái Nguyên, Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) tại Quận 9, TP.HCM. Ngoài ra, gã khổng lồ Hàn Quốc còn có 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội.
Theo thông tin trên báo Nhà đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, 4 nhà máy của Samsung đạt doanh thu 38.690 tỷ won (698,4 nghìn tỷ đồng), giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, còn lợi nhuận đạt 2.999 tỷ won (54,1 nghìn tỷ đồng), giảm 11,2%.
So với doanh số xuất khẩu của Việt Nam là 164,45 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tổng doanh thu của 4 nhà máy Samsung ở Việt Nam tương đương 17,74%.
Trong số này, nhà máy có doanh thu lớn nhất của Samsung tại Việt Nam là Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đạt 15.347 tỷ won (277,3 nghìn tỷ đồng), giảm 25,3%. Đây cũng là mức giảm lớn nhất trong các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Samsung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh) cũng giảm 14,5% doanh thu, còn 10.034 tỷ won (181,1 nghìn tỷ đồng). Nhà máy khác của Samsung ở Bắc Ninh là Samsung Display Việt Nam đạt doanh thu 10.214 tỷ won (184,4 nghìn tỷ đồng), giảm 5,6%.
Trong khi đó, doanh thu của Samsung Electronics HCMC CE Complex (Thành phố Hồ Chí Minh) giảm 12,9% còn 3.096 tỷ won (55,9 nghìn tỷ đồng).
Về lợi nhuận, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cũng là đơn vị đạt kết quả cao nhất, 1.166 tỷ won (21 nghìn tỷ đồng). Mức này giảm 39,7% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức cao nhất trong các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Một đơn vị khác có lợi nhuận thấp hơn là Samsung Electronics Việt Nam, giảm 2% còn 910,2 tỷ won (16,4 nghìn tỷ đồng).
Trái ngược xu thế giảm, 2 đơn vị còn lại đều ghi nhận lợi nhuận cao hơn trong giai đoạn vừa rồi. Lợi nhuận của Samsung Display Việt Nam gấp 3 lần lên 570,5 tỷ won (10,3 nghìn tỷ đồng) còn Samsung Electronics HCMC CE Complex tăng 7,6% lên 352,2 tỷ won (6,4 nghìn tỷ đồng).
Đến nay Samsung đã đầu tư hơn 18 tỷ USD vào Việt Nam. Trong các tuyên bố chính thức của mình, Samsung vẫn cam kết đầu tư làm ăn lâu dài tại Việt Nam.