Lộ trình Việt Nam tắt sóng 2G, thương mại hoá 5G và nghiên cứu phát triển 6G

Về kế hoạch tắt sóng 2G, Bộ TT&TT cho biết, giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng triển khai mạng 2G sẽ hết hạn vào tháng 9/2024.
Sputnik
Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, các băng tần cho mạng 4G/5G sẽ đấu giá vào tháng 11/2023. Dự kiến cuối năm 2023, Việt Nam sẽ cấp tần số thương mại 5G và các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ triển khai thương mại chính thức trong năm 2024.
Đối với 6G, Việt Nam hy vọng đồng hành với thế giới trong triển khai, nghiên cứu, sản xuất thiết bị 6G.

Bao giờ Việt Nam tắt sóng 2G?

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam diễn ra ngày 6/9, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã thông tin đến báo chí cùng người dân nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thời điểm Việt Nam tắt sóng 2G, cấp băng tần cho mạng 4G/5G và chuẩn bị nghiên cứu phát triển 6G.
Về thời điểm dừng phát sóng 2G cũng như chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế đang dùng điện thoại 2G, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng triển khai mạng 2G sẽ hết hạn vào tháng 9/2024.
Bộ TT&TT sẽ quy hoạch lại, và các băng tần 1800MHz, 1900MHz tới đây sẽ không còn phục vụ cho máy 2G Only nữa. Như Sputnik đã thông tin, từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư quy định việc không nhập khẩu máy 2G Only vào Việt Nam.
“Hiện Bộ TT&TT đang đề nghị các Sở TT&TT địa phương triển khai thanh, kiểm tra xem trên thị trường còn tình trạng nhập không chính thức các máy 2G nhiều hay không? Nếu còn chúng ta sẽ xử lý, để đảm bảo đến tháng 9/2024, khi giấy phép tần số cấp cho mạng 2G hết hạn, sẽ không còn máy 2G”, đại diện Bộ TT&TT cho hay”, Thứ trưởng Long cho biết.
Viettel thử nghiệm thành công mạng riêng 5G tại Việt Nam cho đối tác của Apple
Tuy nhiên, thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, sóng 2G sẽ cần được duy trì thêm một thời gian, không phải để phục vụ cho máy 2G, mà phục vụ cho một số máy 4G. Điều này là vì, theo thống kê, hiện ở Việt Nam có khoảng 15 triệu máy 4G không thể sử dụng thoại, tin nhắn trên mạng 4G, phải dùng xuống mạng 2G, 3G.
“Nghĩa là, chúng ta sẽ không còn máy 2G, đáp ứng đúng mục tiêu, song sẽ duy trì sóng 2G thêm một thời gian để tiếp tục chuyển đổi nốt lượng máy 4G nêu trên”, ông Long bày tỏ.
Chu kỳ sử dụng của một thiết bị đầu cuối là khoảng 3 năm. Kể từ năm 2020, Việt Nam đã ra quy định cấm nhập khẩu máy 2G, các máy nhập vào thị trường hiện nay là theo đường tiểu ngạch. Như vậy, các máy 2G tại Việt Nam đang ở vào cuối của chu kỳ sử dụng, khi máy hỏng sẽ được người dùng thay thế.
“Đến tháng 9/2024, sẽ không còn máy 2G trên mạng viễn thông di động, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nêu rõ.
Đối với việc hỗ trợ người dùng máy điện thoại 2G chuyển đổi sang smartphone, Thứ trưởng cho biết, các nhà mạng viễn thông di động hiện đang xây dựng các chính sách hỗ trợ người dùng khi dừng sóng 2G, tập trung vào 2 hỗ trợ chính là hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước sử dụng để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone.
“Chắc chắn về nguyên tắc sẽ không để người dân bị mất liên lạc, các nhà mạng sẽ đều có chính sách hỗ trợ chuyển đổi”, Thứ trưởng Phạm Đức Long thông tin.

Chuẩn bị đấu giá, cấp phép tần số triển khai thương mại hóa 5G

Thông tin về kế hoạch đấu giá các băng tần và triển khai thương mại hóa mạng 5G, Thứ trưởng Long cho hay, muốn thương mại hoá 5G thì phải cấp tần số.
Thực tế, việc thương mại hóa mạng 5G dựa trên cơ sở đấu giá và cấp phép băng tần triển khai 5G, cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho các doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, lộ trình thương mại hóa 5G diện rộng chỉ được xác định khi đấu giá tần số 5G thành công.
“Bộ TT&TT đã muốn đấu giá, cấp tần số cho các nhà mạng từ năm 2019 nhưng chưa làm được, do phải đợi sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện (được Quốc hội thông qua tháng 11/2022 và có hiệu lực từ 1/7/2023)”, Thứ trưởng cho hay.
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, theo kế hoạch đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt về việc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các băng tần cho 4G/5G, Cục Tần số cùng các đơn vị liên quan đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị theo quy định.
Biển Đông
Người Việt tức giận vì Quốc kỳ Việt Nam ở Trường Sa biến mất, Bộ TT&TT làm việc với Google
Cục đã triển khai công tác tổ chức xác định mức thu cơ sở đối với các băng tần 700/2600/3700 MHz; xây dựng yêu cầu triển khai mạng viễn thông đối với doanh nghiệp tham gia đấu giá các băng tần 700/2600/3700 MHz. Cùng với đó, xây dựng phương án tổ chức đấu giá để chuẩn bị cho việc tổ chức đấu giá các băng tần cho mạng 4G/5G vào tháng 11/2023.
Sau khi đấu giá các băng tần cho 4G/5G, các doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép sử dụng băng tần để triển khai mạng 5G thương mại.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, việc thương mại hóa 5G sẽ được thực hiện theo nguyên tắc phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, là nền tảng từng bước phát triển các ứng dụng, dịch vụ 5G, nâng cao nhu cầu của thị trường, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Trên thực tế, hiện nay, thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G đã rẻ hơn và trở nên phổ biến hơn so với 2-3 năm trước. Ngày 28/8/2023, Bộ đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện thương mại hóa 5G, trong đó đã giao nhiệm vụ với các mốc thời gian cụ thể cho các đơn vị để tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số, cấp giấy phép cho các doanh nghiệp trúng đấu giá vào cuối năm 2023 và các nhà mạng đủ điều kiện sẽ khai trương thương mại trong năm 2024.
Trước đó, Bộ đã cấp giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ 5G cho 3 nhà mạng (Viettel, VNPT, MobiFone) thử nghiệm tại 59 tỉnh thành phố trên cả nước. Hiện tại, các doanh nghiệp đã triển khai trên thực tế hơn 800 trạm ở các tỉnh được cấp phép với khoảng 2,8 triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ thử nghiệm.

Chuẩn bị nghiên cứu 6G đồng hành cùng thế giới

Trước đó, thông tin tại cuộc tọa đàm "Phát triển mạng 5G Make in Vietnam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm 5G", hôm 25/8 do VnEconomy tổ chức, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho rằng, để triển khai một mạng viễn thông di động thế hệ mới có hiệu quả, cần có thời gian để các yếu tố trở nên chín muồi.
"So với 97 nước đã thương mại 5G thì Việt Nam có thể nói là hơi chậm, nhưng so với yêu cầu có ứng dụng, thiết bị giá thành hợp lý, có người dùng và đạt hiệu quả kinh tế thì điều này là hoàn toàn phù hợp”, ông Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, cơ quan quản lý đang gấp rút để có thể đấu giá cấp phép tần số 5G vào cuối năm nay.
Trong khi đó, ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) cũng lưu ý rằng, việc thương mại hóa 5G không chỉ cần các thiết bị đầu cuối, độ phổ cập của điện thoại 5G, các thiết bị IoT, mà còn cần cả một hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng IoT để sử dụng một cách hiệu quả.
Viettel chuẩn bị phát sóng diện rộng 5G, VNPT và Mobifone thì sao?
Đối với công nghệ mạng 6G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, về lộ trìn, từ đầu năm 2022, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G.
Ngày 14/8/2023, Bộ cũng ban hành quyết định kiện toàn ban chỉ đạo 6G, phân thành 9 nhóm nhiệm vụ thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ 6G.

“Từ nay đến cuối năm 2023, sẽ tập trung chuẩn bị các nội dung tham dự hội nghị vô tuyến thế giới năm 2023 dự kiến diễn ra tháng 11/2023”, đại diện Bộ TT&TT cho biết đây là hội nghị quan trọng quyết định tầm nhìn, định hướng chiến lược cho phát triển 6G trên thế giới.

Trên cơ sở báo cáo kết quả tham gia hội nghị, Việt Nam sẽ xác định lộ trình triển khai các công nghệ mới phù hợp.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng khẳng định, Bộ TT&TT mong muốn sẽ đồng hành với thế giới trong triển khai, nghiên cứu, sản xuất thiết bị 6G, dự kiến triển khai vào năm 2030.
Thảo luận