Giải quyết khó khăn cho hệ thống ngân hàng
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, trong khi các doanh nghiệp tồn kho hàng hóa thì hiện nay nhiều ngân hàng lại đang tồn kho tiền.
SputnikTheo Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng hiện đang thừa khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Chính phủ, Thủ tướng “rất trăn trở”
Ngày 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì họp ngành ngân hàng bàn giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cũng như giải quyết tình trạng ế vốn, thừa tiền.
Khai mạc hội nghị, ông Khái lưu ý, cuộc họp hôm nay là nhằm tìm giải pháp nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính luôn rất quan tâm, trăn trở tìm tòi để có những giải pháp phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo những cân đối lớn, kiểm soát chặt chẽ hiệu quả lạm phát.
“Bản thân Thủ tướng rất trăn trở, tôi phụ trách lĩnh vực này cũng họp với các đồng chí rất nhiều. Đến hôm nay, chúng ta tiếp tục tìm giải pháp”, cổng TTĐT Chính phủ dẫn lời ông Khái nói và mong các đại biểu tiếp tục chia sẻ để trong những tháng còn lại của năm 2023 và đặc biệt là trong những năm còn lại của nhiệm kỳ với những giải pháp tổng thể hỗ trợ tăng trưởng, bảo đảm thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Về công tác điều hành chính sách tiền tệ, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có nhiều chỉ đạo về tín dụng, hạ lãi suất. Qua đó, dù tình hình bên ngoài còn khó khăn nhưng bên trong, phát triển kinh tế đất nước thời gian qua tốt dần lên, dù vẫn chưa được như mong muốn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn trực tiếp vào các giải pháp để làm sao người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn, ngành ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn thời gian tới.
Thừa tiền
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận, chưa bao giờ điều hành tín dụng khó như bây giờ.
“Hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền”, ông Tú so sánh, nếu như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa thì các ngân hàng thương mại lại đang tồn kho tiền.
Phó Thống đốc cho biết, dù Ngân hàng Nhà nước cùng toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, rà soát, điều chỉnh quy định pháp lý, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm lãi suất cho vay, nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn rất khó khăn.
Theo đại diện NHNN, doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay.
“Chữa căn bệnh thiếu tiền dễ hơn thừa tiền, đây là vấn đề rất khó”, Phó Thống đốc bày tỏ.
Báo cáo của NHNN cho biết, tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022. Cùng năm 2022 tín dụng tăng 9,87%.
Theo Phó Thống đốc, ba năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế, doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng, năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 là gần 10,2 triệu tỷ đồng.
“Thời gian qua, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là từ năm 2020, tuy có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm 2022 nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro với hệ thống các tổ chức tín dụng”, theo Phó Thống đốc.
Trong khi thanh khoản hệ thống đang dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó, tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn đối với nền kinh tế.
Do vậy, theo
lãnh đạo Ngân hàng nhà nước, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Vì sao ế vốn?
Theo các chuyên gia, có một số nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm, ngân hàng ế vốn, người dân lại ngại đi vay.
PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm trên VTC News, cầu nhìn chung vẫn đang giảm mà cầu giảm thì doanh nghiệp không có khả năng mở rộng sản xuất. Thêm nữa, khả năng hấp thụ vốn khó khăn. Vấn đề tiếp theo, đó là doanh nghiệp khó đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng đưa ra.
“Ngân hàng đang dư thừa vốn, đầu vào thì có nhưng đầu ra thì khó nên tăng trưởng tín dụng thấp”, PGS. TS Ngô Trí Long lưu ý.
Đồng tình với nhận định này, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, có 3 nguyên nhân chính khiến ngân hàng muốn cho vay nhưng lượng khách vay còn khiêm tốn. Đó là, thứ nhất, thời gian gần đây, ngân hàng đã giảm lãi suất, nhưng thực tế, mới chỉ giảm hai lãi suất điều kiện – tức lãi suất điều hành và lãi suất huy động, trong khi đó, lãi suất cho vay chưa giảm đáng kể.
“Lãi suất cho vay thực tế còn cao, nên động lực vay của các doanh nghiệp chưa có, nhu cầu vay rất hạn chế, trừ trường hợp đặc biệt”, theo TS. Nguyễn Minh Phong.
Thứ hai, điều kiện cho vay cũng chưa điều chỉnh, dù nhiều ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, bổ sung các khoản vay tín chấp nhưng về cơ bản các điều kiện vay vẫn như thế do các ngân hàng cũng cần lo xa về dự báo nợ xấu đang có nguy cơ tăng lên, nhà băng không muốn giải ngân ồ ạt.
Thứ ba, bản thân các doanh nghiệp có nhu cầu vay cũng chưa thực sự cao, vì không có nhiều hợp đồng nhất là các doanh nghiệp gia công, trong khi thị trường bất động sản, chứng khoán chưa nóng.
“NHNN nhận định rất đúng về khả năng hấp thụ vốn rất thấp, nhu cầu dùng vốn chưa lớn vì các doanh nghiệp xuất khẩu đơn hàng giảm rất mạnh, từ 50 - 70%, nhất là các ngành về gia dày, dệt may, đồ gỗ”, ông Phong nói.
Giải pháp nào?
Theo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan.
Có thể kể đến tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, một số nhóm khách có nhu cầu vay nhưng lại chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản.
Bên cạnh đó, việc triển khai một số chương trình tín dụng như gói 120 ngàn tỷ đồng, chương trình hỗ trợ lãi suất cũng gặp khó khăn, vướng mắc.
NHNN đề xuất 4 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất là nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Thứ ba, nhóm giải pháp nâng cao năng lực khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân và thứ tư là nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
Về phía các ngân hàng, khi dư địa thoải mái, các nhà băng đua nhau kích cầu thông qua hạ lãi suất, tăng cung ứng vốn cho doanh nghiệp người dân. Tại
Agribank, ngân hàng đã triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 8%/năm, riêng lãi vay USD là từ 3%/năm.
Tại BIDV cũng công bố gói tín dụng lên tới 300.000 tỷ đồng cho vay với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5% - 2%/năm nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, người dân.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng có các gói ưu đãi vay hàng chục tỷ đồng với lãi suất từ 7,5% với doanh nghiệp và từ 8,5% với khách hàng cá nhân nhưng hiện tín dụng vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Thực tế theo chuyên gia, vấn đề bây giờ nằm ở “đầu ra” – tức sức mua phải tăng lên, hàng tồn kho giảm, có thêm đơn hàng mới, doanh nghiệp mới dám vay vốn cho sản xuất. Hiện tại, tình hình khó khăn, cả dân lẫn doanh nghiệp không làm ăn được nên họ không mặn mà chuyện vay vốn.