Trào lưu tạo ảnh hoạt hình bắt đầu rộ lên cuối tháng 8, trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ tấm hình theo phong cách anime được tạo ra nhờ ứng dụng Loopsie và một ứng dụng chỉnh sửa ảnh bằng AI khác.
Liên quan đến trào lưu này, ông Nguyễn Duy Khiêm, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết:
"Việc sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh cung cấp ảnh khuôn mặt cá nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro".
Theo ông Khiêm, ứng dụng dạng này luôn đòi hỏi người sử dụng cung cấp hình ảnh, ngoài ra còn có thể yêu cầu truy cập kho ảnh, camera điện thoại và một số quyền khác. Nếu người dùng đồng ý, nhà cung cấp dịch vụ có thể thu thập thông tin về khuôn mặt, hình dáng và một số thông tin cá nhân như email, số điện thoại,... sau đó xử lý với mục đích khác nhau.
Trong khi đó, dữ liệu khuôn mặt là một trong những dữ liệu quan trọng hiện nay, có thể được dùng để xác thực tài khoản. Với công nghệ deepfake, dữ liệu này có thể được sử dụng tạo các hình ảnh giả sao chép chân dung người khác.
Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết Cục đã nghiên cứu rất kỹ hoạt động này trước khi đưa ra thông điệp cảnh báo tới người dân. Theo đó, rủi ro an toàn thông tin được đánh giá là ở mức cao, và có thể tiếp tay cho hoạt động lừa đảo trực tuyến.
"Công nghệ AI, deepfake ngày nay cho phép tạo ra hình ảnh giả, sao chép chân dung, thậm chí tạo cuộc gọi video call để lừa đảo trực tuyến", ông Khiêm cho biết.
Trước thực trạng này, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.
"Trước khi sử dụng một ứng dụng nào đó, người dùng cần đọc kỹ điều khoản, xem xét quyền truy cập trước khi bấm nút chấp nhận và không nên chia sẻ hình ảnh riêng tư, nhạy cảm lên các ứng dụng này", ông nói.