Đến nay, VinFast được cho là vẫn đang đi đúng hướng, nỗ lực chứng minh năng lực và hãng xe Việt đã làm được điều mà nhiều người nghĩ là không thể, theo CEO Lê Thị Thu Thuỷ của VinFast.
Trong khi đó, trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VFS của VinFast tiếp tục đà giảm. Xu hướng kém khả quan này khiến hãng xe điện Việt Nam rơi khỏi top 10 các nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới.
VinFast huy động 5.000 tỷ trái phiếu
Mới đây, CTCP VinFast vừa công bố thông tin đã phát hành lô trái phiếu VIFCB2325003 với tổng trị giá 2.000 tỷ đồng vào ngày 31/7.
Trước đó, hãng xe điện Việt Nam đã công bố phát hành hai lô trái phiếu là VIFCB2325002 và VIFCB2325001 với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng vào ngày 31/7.
Tức chỉ trong một ngày, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã huy động tổng cộng 5.000 tỷ đồng cho lô trái phiếu.
Lô trái phiếu mới VIFCB 2325003 của VinFast có kỳ hạn 20 tháng, đáo hạn vào ngày 31/3/2025. Mức lãi suất được công bố là 14,5%/năm, định kỳ trả lãi 3 tháng một lần. Đối tượng mua là cá nhân và tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Hôm 15/8 vừa qua, hãng xe điện Việt Nam đã niêm yết thành công trên sàn Nasdaq của Mỹ. VinFast làm nên lịch sử khi niêm yết 2,3 tỷ cổ phiếu VinFast lên sàn Nasdaq, với mã VFS và định giá 23 tỷ USD.
Đáng chú ý, đã có lúc vốn hoá của VinFast lên tới 210 tỷ USD (28/8), giá trị vốn hoá chỉ xếp sau Tesla và có thời điểm đe doạ vị thế của nhà sản xuất xe hơi Toyota.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tại thời điểm 30/6 vốn chủ sở hữu của VinFast đạt 15.560 tỷ đồng.
Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 9,85 lần, tương đương tổng nợ phải trả là 153.266 tỷ đồng (khoảng 6,4 tỷ USD). Trong đó, dư nợ trái phiếu là 14.000 tỷ đồng.
Khoản tiền từ tỷ phú Vượng và Vingroup
Theo các nguồn tin, ngoài việc phát hành trái phiếu, VinFast còn nhận được khoản tài trợ 2,5 tỷ USD từ tập đoàn Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Theo đó, khoản tiền này sẽ được giải ngân trong một năm tới, trong đó ông Phạm Nhật Vượng tặng 1 tỷ USD. Riêng Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay một tỷ USD thời hạn tối đa 5 năm.
Được tỷ phú Vượng và Vingroup dồn lực với khoản tài trợ mới, VinFast được cho là có thể hoạt động bình thường trong ít nhất 2 năm nữa và có thể đạt mục tiêu hòa vốn theo kỳ vọng của tỷ Phạm Nhật Vượng trước đó.
VinFast rời top 10 nhà sản xuất ô tô thế giới
Sau giai đoạn chào sàn tăng nóng, thời gian gần đây cổ phiếu VFS đã có dấu hiệu giảm nhiệt.
Điển hình, thị giá mã VFS khi kết thúc phiên 6/9 đạt 24,5 USD/cp, giảm 72,7% từ đỉnh và đánh dấu phiên giảm thứ 6 liên tiếp. Vốn hóa thị trường còn 56,5 tỷ USD, xếp thứ 8 ngành ô tô.
Đến ngày 8/9, theo thống kê thời gian thực trên CompaniesMarketcap, giá trị vốn hoá VinFast chỉ còn 41,77 tỷ USD khi giá cổ phiếu VFS giao dịch trên Nasdaq giảm 26,57% xuống 17,99 USD/cp.
Forbes cập nhật theo thời gian thực ngày 8/9 cho thấy, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đạt 5,7 tỷ USD, giảm 157 triệu USD (2,66%) và hiện đang đứng thứ 471 người giàu nhất hành tinh.
Theo cập nhật của Sputnik, trên CompaniesMarketcap, hiện VinFast đã rời khỏi top 10 các nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới và tạm đứng thứ 13, ngay sau General Motors và Ford. Ba vị trí đầu bảng lần lượt thuộc về Tesla, Toyota và Porsche.
Ảnh chụp màn hình chỉ số của các hãng ô tô trên thế giới
© Ảnh : Screenshot
Đánh giá về diễn biến lên xuống thất thường của thị giá VFS, trước đó, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy cho rằng, cổ phiếu VinFast tuy có nhiều biến động nhưng không đáng lo ngại.
“Bạn có lẽ đã thấy cổ phiếu VinFast biến động mạnh ra sao sau khi lên sàn Nasdaq và tôi nghĩ nhiều người đã cảm thấy bất ngờ”, - bà Thuỷ chia sẻ và nhấn mạnh niềm tin rằng, các nhà đầu vẫn tin tưởng vào tiềm năng của hãng xe Việt Nam.
VinFast đã làm được điều mà nhiều người nghĩ là không thể
VinFast đã bàn giao 11.300 xe điện trong nửa đầu năm, phần lớn ở Việt Nam. Theo bà, hệ sinh thái xe điện ngày càng phát triển ở Đông Nam Á sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của VinFast.
Đối với chuỗi cung ứng xe điện, bà Thu Thuỷ cho rằng, VinFast có thể nhập tất cả linh kiện từ khu vực Đông Nam Á bởi khu vực này đang rất giàu tiềm năng.
“Chúng tôi hoàn toàn có thể sản xuất xe điện trong ASEAN và xuất khẩu từ đây sang phần còn lại của thế giới”, - CEO VinFast bày tỏ.
Sếp VinFast cũng đồng thời nhắc lại việc VinFast đã chứng minh điều mà nhiều người từng cho là không thể kể từ khi công ty bắt đầu công cuộc sản xuất xe cách đây 6 năm.
“Ô tô rất phức tạp, chúng tôi sẽ không bao giờ có thể làm được. Đó là đánh giá của những người hoài nghi khi chúng tôi sản xuất xe hơi. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã làm được”, - CEO VinFast khẳng định.