Theo các nhà phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu của Việt Nam, Brazil nghịch chiều với các nước phát triển là do tính thanh khoản thấp.
Theo số liệu cập nhật của Bộ Tài chính Mỹ, hiện Việt Nam vẫn nằm trong top 40 chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ.
“Mỹ là con nợ lớn nhất”
Báo cáo từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ toàn cầu hiện đang ở mức 305.000 tỷ USD, cao hơn 45.000 tỷ USD so với trước đại dịch COVID-19.
Trong số này, các doanh nghiệp chiếm 161.700 tỷ USD (53%), chính phủ nợ 85.700 tỷ USD (28%) và cá nhân chiếm 57.600 tỷ USD (19%).
Doanh nghiệp và Kinh Doanh dẫn báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) phân tích, lợi suất trái phiếu chính phủ ở Mỹ và châu Âu đang có xu hướng tăng lên.
Các nhà phân tích cho rằng có thể thị trường đang nhận thấy nợ của các chính phủ đang ở mức quá cao.
“Chính phủ Mỹ là con nợ lớn nhất, với 30.000 tỷ USD, kế đến là Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp”, - theo báo cáo, xếp ngay sau đó là Italia, Ấn Độ và Anh.
Chứng khoán Rồng Việt lưu ý, nhìn chung lợi suất trái phiếu sẽ có xu hướng đi lên khi nợ tăng.
Screenshot từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ
© Screenshot
“Đây là một cách tự nhiên để thị trường gửi tín hiệu đến con nợ rằng việc vay tiền để tài trợ cho các hoạt động sẽ trở nên đắt đỏ hơn”, - VDSC nhấn mạnh.
Thực tế, hiện Mỹ đang có mức nợ bằng 123% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, nợ chính phủ của Nhật Bản cũng lên tới 239%, tạo áp lực trả nợ lớn khi lợi suất trái phiếu lên cao.
Khác biệt lợi suất trái phiếu
Tuy nhiên, tại một số nền kinh tế, chẳng hạn như Brazil hay Việt Nam, xu hướng lại hoàn toàn ngược lại khi lợi suất trái phiếu chính phủ lại đang theo chiều giảm xuống.
Nói về sự khác biệt trái ngược, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu, việc bán ra ở những thị trường có thanh khoản cao, như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, sẽ dễ dàng hơn so với những nơi có thanh khoản kém hơn nhiều như các thị trường mới nổi.
Do đó, lợi suất trên những thị trường thanh khoản tăng lên, trong khi lợi suất tại những thị trường mới nổi không bị ảnh hưởng nhiều.
“Hiện tượng này được gọi là sự bất đối xứng và/hoặc bộ đệm lợi suất biến mất”, - VDSC lý giải.
Đối với trường hợp của Trung Quốc, Chứng khoán Rồng Việt nhấn mạnh, các yếu tố tiêu cực đang ảnh hưởng tới lợi suất trái phiếu.
Theo đó, những dữ liệu từ nhiều chỉ số, bao gồm tăng trưởng tín dụng, đầu tư vào thị trường vốn và bất động sản, sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, xây dựng, xuất khẩu, giá sản xuất và nông sản, ... đều chỉ ra sự mất đà chung của nền kinh tế, trái ngược với kỳ vọng trước đó.
Được biết, các ngân hàng Trung Quốc đã gia hạn 345 tỷ nhân dân tệ (CNY) cho các khoản vay mới trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ 11/2009. Đồng thời, lạm phát tiêu dùng âm lần đầu tiên sau hơn hai năm, lạm phát của nhà sản xuất âm tháng thứ 10.
Xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7 và nhập khẩu giảm 12%, tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 2/2020.
Trung Quốc vốn được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, do đó, đà giảm đốc của nước tỷ dân này gây ra lo ngại cho nhiều nền kinh tế thế giới.
Việt Nam là chủ nợ lớn của Mỹ
Việt Nam trước đó đã gây chú ý khi vẫn nằm trong top 40 chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ.
Theo cập nhật số liệu của Bộ Tài chính Hoa Kỳ hồi tháng 1/2023 Việt Nam là chủ nợ lớn thứ 36 của Mỹ, với số trái phiếu trị giá hơn 36,3 tỷ USD.
Như đã biết, các Ngân hàng trung ương nước ngoài, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã tiến hành mua trái phiếu kho bạc Mỹ như một hình thức dự trữ ngoại hối, còn các nhà đầu tư tư nhân mua loại trái phiếu này như một kênh đầu tư an toàn.
Cùng với đó, trái phiếu kho bạc còn được sử dụng làm tài sản thế chấp trong một số giao dịch thương mại quốc tế hoặc các quốc gia có thể sử dụng chúng để quản lý chính sách tỉ giá hối đoái và trái phiếu kho bạc Mỹ được chấp nhận thông dụng.
Hiện Nhật Bản, Trung Quốc và Anh vẫn là những chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Trong đó, Nhật Bản nắm trên 1.104 nghìn tỷ trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Kể từ năm 2019, Nhật đã vượt qua Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của Washington.
Chủ nợ lớn thứ hai là Trung Quốc khi nắm trên 860 tỷ trái phiếu và Anh đứng thứ ba khi nắm hơn 600 tỷ trái phiếu kho bạc Mỹ.
Đối với Việt Nam, các thống kê cũng cho thấy, quốc gia Đông Nam Á này thường xuyên nằm trong top 40 chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ. Đáng chú ý, vào tháng 8/2021, lượng trái phiếu kho bạc Mỹ do Việt Nam tăng lên 44,8 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ 30 các chủ nợ lớn nhất của Washington.
Số liệu công bố hồi tháng 1/2022 Việt Nam cũng vẫn đang cho Mỹ vay nợ trái phiếu trên 42 tỷ USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Việt Nam nắm giữ đã giảm xuống quanh mốc 36 tỷ USD. Đây cũng được xem là ngoại hối quan trọng mà Việt Nam sở hữu. Số liệu trên Statista theo báo cáo công bố đến tháng 4.2023, Việt Nam vẫn nắm trên 36,7 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ.
Trong khi đó, tại báo cáo cập nhật hồi tháng 6/2023 của Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam đứng thứ 35 trong top 40 chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ với lượng trái phiếu nắm giữ đạt trên 33,6 tỷ USD.