Việt Nam lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Công an

Việt Nam vừa thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, với Chủ tịch đầu tiên được bầu là Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an. Tham gia lãnh đạo hiệp hội còn có người đứng đầu các tập đoàn lớn như EVN, Viettel, FPT,…
Sputnik
Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm lưu ý, các đơn vị trong nước vẫn chưa tự chủ về công nghệ, còn lệ thuộc vào nước ngoài, dẫn đến nguy cơ bị tấn công mạng, khủng bố, gián điệp chiếm dụng thông tin bí mật của Nhà nước.

Thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia

Chiều 8/9, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028. Tại đại hội, các đại biểu đã bầu Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, làm Chủ tịch Hiệp hội.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính – Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao– được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực. Thượng tá Nguyễn Bá Sơn – Trưởng phòng - Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – làm Tổng thư ký.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Các Phó Chủ tịch bao gồm: Ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Đại tá Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel); Ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT; Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC.
Trước đó, ngày 8/5/2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 340/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội An ninh Mạng Quốc gia. Theo đó, hiệp hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công dân và tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng tự nguyện thành lập, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, đoàn kết bảo đảm an ninh mạng theo định hướng, chiến lược về an ninh mạng của Đảng, Nhà nước góp phần bảo vệ Tổ quốc và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Việt Nam chưa tự chủ về công nghệ

Phát biểu tại đại hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiệp hội ra đời trong bối cảnh vấn đề vi phạm an ninh mạng tại Việt Nam và thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 16 triệu cảnh báo tấn công mạng, cao hơn nhiều so với 2022. Phần lớn các mục tiêu tấn công là hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế mũi nhọn.
Các đối tượng tội phạm mạng cũng sử dụng nhiều hình thức lừa đảo tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người dân. Trong 9 tháng qua, Bộ Công an đã xử lý gần 800 vụ với tổng số tài sản thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, một số sàn giao dịch tiền ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm nhưng vẫn thu hút lượng lớn người tham gia, số tiền giao dịch đến hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi tháng.
Đại tướng Tô Lâm lưu ý, các đơn vị trong nước đến nay vẫn chưa tự chủ về công nghệ, còn lệ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp, phải xử lý vấn đề về an ninh mạng quốc gia. Điều này đã dẫn đến nguy cơ bị tấn công mạng, khủng bố phá hoại hạ tầng trọng yếu, hoạt động gián điệp chiếm dụng thông tin bí mật của Nhà nước. Có trường hợp kẻ xấu lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, kích động biểu tình, chống phá.
Đại tướng Tô Lâm nhận định, trong thời gian tới sẽ xảy ra những cuộc chuyển dịch lớn, từ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ sang chủ quyền mạng, từ kiểm soát lãnh thổ sang kiểm soát không gian mạng, từ gia công phần mềm sang làm chủ dịch vụ.
An ninh mạng: Rất ít quốc gia làm được như Việt Nam
Chính vì vậy, Việt Nam cần sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, cũng như Hiệp hội An ninh mạng quốc gia. Hiệp hội sẽ là "tấm khiên" bảo vệ an ninh, lợi ích, chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng.
"Hiệp hội sẽ kiến tạo nền an ninh mạng Việt Nam, hình thành thị trường an ninh mạng có giá trị cao trên bản đồ quốc tế, tạo các tập đoàn, công ty về an ninh mạng mạnh, được thế giới công nhận", - người đứng đầu ngành Công an phát biểu.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, sự ra đời của Hiệp hội An ninh Mạng Quốc gia sẽ giúp quy tụ, khơi dậy, lan tỏa sức mạnh tiềm năng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chuyên gia, các học giả uy tín, nhằm xây dựng hệ sinh thái an ninh mạng kết nối công, tư hữu hiệu nhất; hội tụ chính sách công nghệ, nhân lực về an ninh mạng.
Hiệp hội sẽ góp phần nâng cao tiềm lực an ninh mạng quốc gia; ứng phó hiệu quả với các thách thức phi truyền thống với mục tiêu xây dựng không gian mạng an ninh, an toàn, lành mạnh và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam.
Hiệp hội cũng đảm nhận tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, kỹ năng an ninh mạng; tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cơ quan này còn tham gia chương trình, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo các đề nghị về an ninh mạng; tăng cường hợp tác quốc tế trong các vấn đề liên quan.
Thảo luận