Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa chủ trì lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. sang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Sputnik
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là lần đầu tiên cả Tổng thống và Phó tổng thống Mỹ cùng thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Ngày 10/9, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm của ông Biden diễn ra từ ngày 10-11/9/2023.
Tháp tùng Tổng thống Joe Biden có Ngoại trưởng Antony Blinken; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper; Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan; Đặc phái viên về Khí hậu của Tổng thống John Kerry; Trợ lý Tổng thống, Phó Cố vấn An ninh quốc gia John Finer; Phó Trợ lý Tổng thống, Điều phối viên đặc biệt Hội đồng An ninh quốc gia Kurt Campbell; Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink; Cố vấn đặc biệt của Tổng thống, Giám đốc cao cấp Hội đồng An ninh quốc gia Mira Rapp-Hooper; Cố vấn đặc biệt của Tổng thống, Giám đốc cao cấp Hội đồng An ninh quốc gia Tarun Chhabra.
Ngay trong chiều 10/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Joe Biden tại Phủ Chủ tịch, theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Đúng 16 giờ 50 phút, đoàn xe chở ông Joe Biden tiến vào Phủ Chủ tịch. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chào đón Tổng thống Mỹ. Hai bên giới thiệu các quan chức có mặt tại lễ đón.
Tham dự lễ đón có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Cùng tham gia còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo thành phố Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Văn phòng Tổng Bí thư...
Ngay sau lễ đón, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ đã di chuyển đến Trụ sở Trung ương Đảng để tiến hành Hội đàm.
Theo lịch trình, ngày 11/9, Tổng thống Biden sẽ hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và tham dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đổi mới sáng tạo và đầu tư.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ gặp Tổng thống Mỹ và chủ trì chiêu đãi cấp Nhà nước. Ông Biden cũng dự kiến sẽ có lịch tham gia một số hoạt động cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Sau chuyến thăm của Biden đến Việt Nam, liệu Hà Nội có bị Trung Quốc trừng phạt?

Chuyến thăm đặc biệt của một Tổng thống Mỹ đến Việt Nam

Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, đây là lần đầu tiên cả Tổng thống và Phó tổng thống Mỹ cùng thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ.
Chuyến thăm diễn ra nhân kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập Quan hệ Đối tác toàn diện. Chuyến thăm còn được xem là sự tiếp nối của các chuyến thăm Việt Nam của các Tổng thống Mỹ trong gần 30 năm quan hệ ngoại giao hai nước.
Chuyến thăm cho thấy hai bên đều rất coi trọng nhau trong chính sách đối ngoại của mình cũng như trong chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nói riêng. Chuyến thăm cho thấy Hoa Kỳ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, coi trọng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Việt Nam.
Đây cũng là cột mốc rất quan trọng trên hành trình nỗ lực chung của hai nước, hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman ngày 18/01/1946, đó là Việt Nam có quan hệ hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ.
Trong bức thư đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định các nguyên tắc của quan hệ song phương, đó là bình đẳng và quyền tự quyết - nguyên tắc được xác lập trong các Hiến chương Đại Tây Dương và San Francisco.
Những nguyên tắc này luôn được Việt Nam và Hoa Kỳ tôn trọng kể từ khi bình thường hóa quan hệ, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Nhiều chuyên gia đã sử dụng cụm từ "vượt bậc" và "hết sức ấn tượng" để nói về những bước tiến trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tại tiệc chiêu đãi chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng 7/2015, ông Biden – khi đó là Phó Tổng thống của chính quyền Barrack Obama – đã nói về sự tiến triển trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ khi "lẩy" 2 câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: "Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".
Thảo luận