Ít ai biết rằng, trong mắt báo chí và giới ngoại giao phương Tây, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh còn được miêu tả với hình ảnh ẩn dụ về một ‘con cáo bạc khôn ngoan’ của Hà Nội bởi chính tài năng, sự thâm trầm và khéo léo được tôi luyện cùng nhiều diễn biến lịch sử của đất nước.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người có hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới của Việt Nam. Ông luôn chăm chút cho những mối quan hệ này, cố gắng tăng đồng thuận, giảm bất đồng.
Cũng chính tướng Vịnh đã tham mưu để Bộ Quốc phòng hai nước Việt – Trung tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần đầu tiên ở cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2014. Cơ chế này sau đó được nâng lên cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Di sản của tướng Vịnh với ngành tình báo quốc phòng thời đại mới
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã qua đời rạng sáng nay 14/9 tại nhà riêng do bệnh hiểm nghèo, như Sputnik đã thông tin.
Ngay sau khi được tin ông mất, nhiều học giả, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự đã bày tỏ sự tiếc thương với gia đình Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
PGS.TS Bùi Chí Trung, cố vấn Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cũng là người từng có nhiều thời gian làm việc với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không chỉ thừa hưởng tên tuổi của người cha anh hùng là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mà còn sẵn có trong huyết quản một bổn phận sâu sắc đối với Tổ quốc. Trọn đời vì Tổ quốc.
Trong suốt cuộc đời hơn 40 năm binh nghiệp, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã để lại nhiều di sản quan trọng trong ngành tình báo và đối ngoại quốc phòng, cũng như trong công tác xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại.
Cũng ít ai biết rằng, một ký giả người Anh Greg Torode từng gọi tướng Nguyễn Chí Vịnh là “con cáo bạc Hà Nội” khi nhận xét về vị tướng tình báo của Việt Nam rằng, ông Vịnh là một “con cáo bạc khôn ngoan”. Điều này cũng được tác giả Huy Vũ nhắc lại trong bài viết vĩnh biệt Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trên báo Ngày nay.
Báo giới và các nhà ngoại giao phương Tây rất thích trao đổi với tướng Vịnh. Cây viết người Anh mô tả Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với vẻ mặt hơi buồn, những đường nét của ông không bộc lộ gì nhiều. Ông luôn nói những câu chính xác, cẩn thận và trả lời một cách khéo léo với những câu hỏi khó hiểu bằng sự tim lặng và cái gật đầu nhẹ.
Nói rõ hơn về sự nghiệp tình báo và cống hiến cho nền đối ngoại quốc phòng nước nhà của tướng Nguyễn Chí Vịnh, PGS.TS Bùi Chí Trung nhấn mạnh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trưởng thành qua nhiều cương vị công tác trong ngành tình báo, được bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng rồi Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng.
Trên cương vị đó, ông đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng ngành Tình báo Quốc phòng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đồng thời, đóng góp những bước phát triển đột phá, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Từ năm 2009, tướng Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại, trong bối cảnh Quân đội nhân dân Việt Nam đang dần trở thành một mũi chủ công trong thế trận bảo vệ Tổ quốc trong thời bình bằng biện pháp hòa bình.
“Và từ đây một nhà chiến lược xuất sắc của Việt Nam cũng bắt đầu tỏa sáng sau những năm tháng âm thầm phục vụ tại một lĩnh vực bí mật nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam”, báo Lao động dẫn lời PGS.TS Bùi Chí Trung.
Mối quan tâm của tướng Vịnh với các nước có chung biên giới
Ông Trung cho hay, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một trong những người đầu tiên phát biểu công khai về chính sách quốc phòng “3 không” của Việt Nam vào năm 2010.
Bản thân Thượng tướng đã quyết liệt tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng, đưa Cảng Quốc tế Cam Ranh đi vào hoạt động, trở thành biểu tượng cụ thể và sinh động về chính sách quốc phòng “4 không” và “1 tùy” hiện nay của Việt Nam.
Cũng chính tướng Vịnh là người được giao khởi thảo chiến lược quốc phòng Việt Nam, cẩm nang để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh là người giữ vai trò then chốt trong việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus) đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2010. Là một kiến trúc sư của hợp tác an ninh khu vực, ông đã hết lòng thúc đẩy đối thoại, bồi đắp lòng tin giữa các quốc gia nhằm hóa giải những thách thức đối với khu vực.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tháng 1/2011, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội XI đề cập trực tiếp đến công tác đối ngoại quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người có hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới. Ông luôn chăm chút cho những mối quan hệ này, nhằm củng cố và nâng cao sự tin cậy lẫn nhau, tăng đồng thuận, giảm bất đồng.
Chính tướng Vịnh đã tham mưu để Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần đầu tiên ở cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào tháng 3/2014.
Cơ chế hợp tác này sau đó được nâng lên cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được tổ chức hằng năm, tạo đột phá trong quan hệ quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc nói riêng và quan hệ giữa hai nước nói chung.
Chuyện Tướng Vịnh phải “khai gian” 2 tuổi để được đi bộ đội
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh ngày 15/5/1959 tại Hà Nội. Trong giấy tờ lý lịch chính thức, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được ghi sinh năm 1957.
Ông từng giải thích điều này rằng khi xin đi bộ đội thì mới 17 tuổi, nếu khai tuổi thật không được nhập ngũ, nên phải khai thêm 2 tuổi.
Quê gốc của ông ở xã Quảng Thắng, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cố Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong suốt quá trình công tác, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh còn được trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất của Campuchia; Huân chương Hoàng gia Sahametrei cấp Mohaséreivath (Đại thập tự) của Campuchia; Huân chương Hữu nghị của Liên bang Nga; Huân chương Antonio Maceo của Nhà nước Cộng hòa Cuba; Huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản.
Tháng 12/2021, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nghỉ công tác sau khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ chức trách của một người quân nhân đã cống hiến hết mình cho quân đội, cho đất nước.
“Thế hệ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là thế hệ vàng của thời đại Hồ Chí Minh, đã đổ bao xương máu vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một trong những con người tiêu biểu của thế hệ kế tiếp, phụng sự suốt đời vì cơ đồ Việt Nam”, PGS.TS Bùi Chí Trung khẳng định.