Theo giáo sư Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, Việt Nam "không thể tách rời khỏi Trung Quốc". Ông cũng lưu ý, Hà Nội không phải là nhà sản xuất hàng hóa lớn và cũng đang phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình, khi chi phí tăng cao và khả năng cạnh tranh giảm sút.
Nỗ lực của Biden nhằm "tăng cường hợp tác" với Việt Nam
Trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 2 ngày vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai nước đã nâng cấp quan hệ ngoại giao và nhất trí về các thỏa thuận kinh doanh trị giá hàng tỷ USD, dẫn đầu với những hãng như Boeing, Microsoft và Nvidia.
Người đứng đầu Nhà Trắng mô tả những động thái nhằm tăng cường hợp tác trong các ngành công nghệ "quan trọng" như chip và trí tuệ nhân tạo (AI) là nỗ lực nhằm xây dựng "chuỗi cung ứng bán dẫn linh hoạt hơn".
"Chúng tôi đang mở rộng quan hệ đối tác kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư lớn hơn nữa giữa các quốc gia chúng ta", - ông Biden nói hôm Chủ Nhật tại cuộc họp báo chung với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Đề cập đến hy vọng của Washington trong việc giảm thiểu rủi ro liên quan đến Trung Quốc ở ngành bán dẫn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết việc phát triển quan hệ song phương không nên "nhắm vào các bên thứ ba".
Bà cũng kêu gọi Mỹ "tôn trọng" mong muốn của các nước châu Á về "sự ổn định, hợp tác và phát triển".
Việt Nam "không thể tách rời khỏi Trung Quốc"
Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia (National War College) ở Washington, chuyên gia về các vấn đề an ninh và chính trị Đông Nam Á, cho rằng mặc dù việc Mỹ thúc đẩy các thỏa thuận công nghệ là một diễn biến tích cực nhưng nó đã bỏ qua sự phụ thuộc về kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc.
"Việt Nam không thể tách rời khỏi Trung Quốc", - SCMP dẫn lời giáo sư Abuza nhận định.
Ông Abuza cũng lưu ý, Việt Nam không phải là nhà sản xuất hàng hóa lớn và cũng đang phải đối mặt với cái gọi là bẫy thu nhập trung bình, khi chi phí tăng cao và khả năng cạnh tranh giảm sút cản trở sự phát triển của nền kinh tế.
Theo ông Abuza, hầu hết các linh kiện [trong các ngành] đều được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Chẳng hạn, chỉ có "15% tổng số phụ tùng ô tô lắp ráp tại Việt Nam được sản xuất trong nước, phần còn lại là nhập khẩu".
"Đó là lý do tại sao Việt Nam có mức thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc", - ông nói thêm, đề cập đến mức thâm hụt hơn 60 tỷ USD của Hà Nội vào năm ngoái.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng các nhà máy Việt Nam, đặc biệt là các nhà máy ở phía Bắc giữa Hà Nội và Hải Phòng, là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc và đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế và hiện trạng xuất khẩu giảm mạnh của Trung Quốc.
"Vì vậy, đừng tin vào những lời cường điệu về "friendshoring" (sản xuất tại các quốc gia bằng hữu), Việt Nam phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc", - ông Abuza nói, đề cập đến xu hướng sản xuất và tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia là đồng minh địa chính trị để giảm thiểu rủi ro.
Theo ông, mặc dù Hoa Kỳ cam kết tài trợ 2 triệu USD để phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, nhưng vẫn có những hạn chế đối với khả năng của Hà Nội trong việc cung cấp lực lượng lao động được đào tạo và có sức cạnh tranh mà "không phải với mức lương cao ngất ngưởng".
Jayant Menon, chuyên viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết ý tưởng rằng Việt Nam, Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác có thể tách hoàn toàn khỏi Trung Quốc là "hoàn toàn sai lầm", đặc biệt khi nước này vẫn là trung tâm của chuỗi cung ứng điện tử cho 10 nước ASEAN.
"Trong khi căng thẳng Mỹ-Trung đẩy nhanh tốc độ đa dạng hóa, các kết nối với Trung Quốc sẽ vẫn còn nguyên vẹn cho đến thời điểm hiện tại", - Menon cho biết, đồng thời nói thêm rằng "trong tương lai gần", các khoản đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực chip Việt Nam sẽ ít ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Việt Nam theo đuổi chính sách đa dạng hóa kinh tế
Tờ Global Times dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, Mỹ "hiện đang làm hầu hết mọi thứ có thể để ngăn chặn sự phát triển khoa học công nghệ một cách hợp pháp và chính đáng của Trung Quốc trong các lĩnh vực như chất bán dẫn và buộc các đồng minh của họ cũng phải làm điều tương tự".
Họ cũng nói thêm rằng Washington sẽ không bao giờ có thể nâng mối quan hệ của mình với Hà Nội "đạt đến mức độ như quan hệ Trung Quốc-Việt Nam", vì cả hai đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, trong khi Mỹ lại là nước "thù địch với chủ nghĩa xã hội".
Bich Tran, thành viên phụ trợ của Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm biến Việt Nam thành một cường quốc về chip được hỗ trợ bởi Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao, với số tiền 500 USD triệu được phân bổ trong 5 năm tới để đảm bảo đa dạng hóa chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Hoa Kỳ.
"Khoản tài trợ này sẽ hỗ trợ giáo dục và đào tạo cho nhân sự Việt Nam", - Bich Tran cho biết, bổ sung thêm rằng Việt Nam có trữ lượng đất hiếm dồi dào – rất cần thiết trong sản xuất chất bán dẫn.
Theo chuyên gia này, việc hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng một cách đáng kể nhưng cũng cho rằng Việt Nam cần giải quyết tình trạng thiếu nhân tài công nghệ.
Tuần trước, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận Việt Nam hiện đang đào tạo chưa đến 20% trong số 20.000 kỹ sư cần thiết mỗi năm để cung cấp cho ngành bán dẫn.
Về phần mình, ông Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Việt Nam, nhận định Hà Nội đã nhất quán theo đuổi chính sách đa dạng hóa kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc.
Theo ông Sáng, việc tăng cường mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ trong thương mại và các công nghệ then chốt là rất quan trọng để Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào quốc gia láng giềng phương Bắc.