Rủi ro đằng sau ứng dụng biến ảnh thành nhân vật anime

HÀ NỘI (Sputnik) - Trong thời đại công nghệ 4.0, ứng dụng biến ảnh thành nhân vật anime đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dùng tại Việt Nam bởi tính độc đáo và thú vị mang lại. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích phía trên là những rủi ro tiềm ẩn về an toàn thông tin mà không phải ai cũng nhận ra.
Sputnik

Gọi tên rủi ro tiềm ẩn

Khi sử dụng những ứng dụng biến đổi hình ảnh như Loopsie, Anime AI, AI Mirror v.v, người dùng thường phải cho phép ứng dụng truy cập vào thư viện ảnh hoặc máy ảnh của mình. Bằng việc này, chúng ta vô tình để lộ thông tin cá nhân và rơi vào vòng xoáy của "quyền riêng tư trực tuyến".
Thêm vào đó, một số ứng dụng còn ràng buộc người dùng phải đăng nhập thậm chí cung cấp thêm thông tin cá nhân, như địa chỉ email, số điện thoại . Điều này có thể tạo lợi thế cho các tin tặc hoạt động.
Ngô Minh Hiếu, Chuyên gia an ninh mạng, Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia (NCSC)
Chia sẻ với Sputnik, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), Chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NSCS Viet Nam), cho biết:

“Phần mềm đổi ảnh sang hoạt hình có thể rất thú vị và hấp dẫn, nhưng cũng có một số nguy cơ mà bạn cần phải cân nhắc. Một số ứng dụng có thể thu thập dữ liệu cá nhân của bạn và sử dụng nó cho các mục đích không mong muốn, bao gồm việc bán dữ liệu cho bên thứ ba. Nếu ứng dụng không được tải xuống từ nguồn đáng tin cậy thì có sẽ bị nhiễm mã độc hoặc bị đánh cắp thông tin, chưa kể nếu nhà phát triển phần mềm không kiểm thử bảo mật cho ứng dụng, thì hacker có thể đánh cắp dữ liệu và thông tin hình ảnh của người dùng”.

Việt Nam cấm mua bán thông tin cá nhân
Chuyên gia này cho biết thêm, khi sử dụng ảnh của mình trong các ứng dụng này, đôi khi bạn có thể không rõ ràng về việc ai sẽ sở hữu quyền đối với hình ảnh đã được chỉnh sửa.

“Một số ứng dụng có thể yêu cầu phí hoặc có các chi phí ẩn mà bạn không nhận biết ngay lập tức. Ảnh hoạt hình có thể được sử dụng sai mục đích, chẳng hạn như tạo các tài khoản giả mạo trực tuyến, trêu đùa, hoặc bôi nhọ danh dự”, chuyên gia Ngô Minh Hiếu chỉ ra.

Việt Nam lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Công an

Thực tế tại Việt Nam

Thời gian gần đây, trên các mạng xã hội tràn ngập ảnh chân dung và phong cảnh theo phong cách anime do Loopsie, hoạt động trên iPhone, tạo ra. Tính đến cuối tháng 8/2023, Loopsie vươn lên trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất ở Việt Nam.
Trong bối cảnh hạ tầng pháp lý về an toàn thông tin cần nhiều cải thiện. Do đó, việc bảo vệ thông tin cá nhân từ những ứng dụng trên càng trở nên khó khăn. Điều này đòi hỏi sự cảnh giác và kiểm soát từ phía người dùng. Bà Minh Đinh (TP. HCM) chia sẻ với Sputnik:

“Mình không sử dụng cho cá nhân mặc dù mình có cơ hội tiếp xúc trước cả các bạn. Khi test tính năng thì mình toàn dùng hình ngôi sao, ca sĩ, diễn viên; dùng hình ảnh phong cảnh ở một nước khác. Lý do là Term and Policy của các ứng dụng luôn nói tới việc có thể sử dụng thông tin của mình (bao gồm cả hình ảnh mình up lên) để "phát triển xây dựng cộng đồng" hoặc xây dựng big data trong khi lại không nói rõ phần trách nhiệm của chính người điều hành ứng dụng đó với số data thu được. Chỉ cần vài lần chuyển đổi mục đích sử dụng từ tư nhân sang công cộng thì data đó đã được "phù phép" thành data có thể mua bán công khai ngay”.

Việt Nam thiếu chuyên gia an ninh mạng và nguồn nhân lực an toàn thông tin
Trong bối cảnh hiện nay, người dùng cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng những ứng dụng biến đổi hình ảnh, cân nhắc trước khi cung cấp quyền truy cập và luôn cập nhật thông tin để phòng chống nguy cơ tiềm ẩn. Tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân trong thời đại số ngày càng được nhấn mạnh hơn nữa.

“Đối với các dịch vụ hoặc nền tảng nói chung cần xin phép quyền sử dụng dữ liệu người dùng là điều tiên quyết, trong khi cấp phép sử dụng dữ liệu cá nhân, người sử dụng cần theo dõi các quyền được yêu cầu cấp phép từ ứng dụng cũng như đọc hiểu các điều khoản dịch vụ khi xử lý dữ liệu được cấp phép sử dụng và có chế độ xóa tài khoản hoặc dữ liệu khi người dùng yêu cầu”, ông Tuyến Tạ, Giám đốc giải pháp và tư vấn dữ liệu Marketing, Công ty White Space (Gimasys) nêu quan điểm.

Luật CCCD (sửa đổi năm 2023) sẽ bổ sung một số thông tin cá nhân quan trọng

Cảnh báo từ chuyên gia

Trao đổi với Sputnik, ông Ngô Minh Hiếu, Chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NSCS) cho rằng, có nên tiếp tục sử dụng ứng dụng đổi ảnh sang hoạt hình hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ tin cậy của ứng dụng, mục đích sử dụng, và mức độ quan tâm đối với quyền riêng tư và bảo mật.

“Nếu ứng dụng có đánh giá tốt và đến từ một nhà phát triển uy tín, nguy cơ liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư có thể thấp hơn. Người dùng nên đọc kỹ chính sách bảo mật của ứng dụng để hiểu cách dữ liệu của bạn được sử dụng và bảo quản. Nếu bạn chỉ sử dụng ứng dụng cho mục đích cá nhân và không chia sẻ thông tin đến người khác, nguy cơ có thể thấp hơn so với việc sử dụng ảnh cho các mục đích công cộng”, ông Hiếu nêu ra.

Nga ủng hộ các nước ASEAN về an toàn thông tin
Ngoài ra, chuyên gia Ngô Minh Hiếu khuyến cáo hãy xem xét việc sử dụng các cài đặt bảo mật và quyền riêng tư có sẵn (nếu có) để kiểm soát cách dữ liệu của bạn được sử dụng.

“Nếu bạn có những lo ngại đặc biệt về quyền riêng tư hoặc bảo mật, có thể bạn sẽ muốn cân nhắc việc sử dụng các ứng dụng khác có uy tín cao hơn hoặc không sử dụng loại ứng dụng này”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chỉnh sửa, tạo hiệu ứng cho ảnh luôn là một nhu cầu không thể thiếu của người dùng với mong muốn có được nhiều tác phẩm độc, lạ theo ý muốn. Với sự hỗ trợ của AI, những ứng dụng này ngày càng có sức hút lớn và nhanh chóng được phổ biến, lan truyền tới nhiều người dùng. Tuy nhiên, người dùng cần thận trọng, không nên vì vài phút vui trên mạng xã hội mà đánh đổi dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu khuôn mặt của mình.
Thảo luận