Việt Nam đã đưa ra lựa chọn chiến lược với Trung Quốc

Phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Sputnik
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Việt Nam thành điểm trung chuyển hàng hóa ASEAN-Trung Quốc.

Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam

Chiều ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Cuộc gặp giữa lãnh đạo 2 chính phủ diễn ra tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, nhân dịp tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20.
Theo cổng TTĐT Chính phủ Việt Nam, “trong không khí chân thành, hữu nghị, tin cậy và cởi mở”, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những tiến triển trong quan hệ Việt - Trung thời gian qua, nhất là sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (30/10-01/11/2022).
Trên cơ sở đó, hai bên đi sâu trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Về phía Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Việt - Trung trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước và khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng và xác định phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định, lành mạnh với Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khai mạc CAEXPO và CABIS lần thứ 20
Theo Thủ tướng Việt Nam, đây là “lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu” trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Về phía Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Cường cũng tuyên bố “Trung Quốc luôn coi quan hệ với Việt Nam”.
Việt Nam cũng là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.
“Trung Quốc ủng hộ Việt Nam xây dựng và phát triển thành công chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình đất nước, sẵn sàng cùng Việt Nam không ngừng mở rộng và làm sâu sắc hợp tác thực chất giữa hai bên”, - ông Lý Cường nói.
Thủ tướng Lý Cường cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực, hiệu quả và đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các kỳ CAEXPO và CABIS.

Kiểm soát Biển Đông

Hai bên nhất trí cùng thúc đẩy tiếp xúc cấp cao và các cấp, tăng hợp tác thực chất trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân, duy trì phối hợp, hợp tác trong các cơ chế, diễn đàn đa phương. Đặc biệt, Hà Nội và Bắc Kinh cũng nhất trí phối hợp quản lý tốt biên giới trên đất liền và kiểm soát tốt bất đồng, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở trên biển.
“Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, - cổng TTĐT Chính phủ cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc", tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Làm rõ hơn về tiềm năng hợp tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hai bên cần phát huy ưu thế địa lý và sự bổ sung lẫn nhau để đẩy mạnh hợp tác thực chất trên các lĩnh vực phát triển cân bằng, bền vững.
Biển Đông
Áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông, Việt Nam theo dõi 2 kịch bản
Ông đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô (Tứ Xuyên) và Hải Khẩu (Hải Nam), phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
“Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là đối với các dự án quy mô lớn, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, mang lại lợi ích kinh tế và dân sinh”, - Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hai bên cần tăng cường kết nối giao thông và hạ tầng cửa khẩu biên giới, nghiên cứu hợp tác trong việc lập quy hoạch và xây dựng một số tuyến đường sắt ở khu vực phía bắc Việt Nam, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa cả song phương và qua nước thứ ba.
Nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đề nghị phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam.
Đáp lại, Thủ tướng Lý Cường cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản chất lượng cao, mở rộng hơn nữa quy mô và nâng cao hiệu suất giao thương thông qua nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, kết nối chính sách, xây dựng cửa khẩu thông minh, thúc đẩy thanh toán bằng đồng bản tệ.
Thống nhất cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định, Thủ tướng Lý Cường cho biết, Chính phủ Trung Quốc sẽ khuyến khích người dân đi du lịch Việt Nam, ủng hộ mở thêm các đường bay mới giữa hai nước và thúc đẩy triển khai các dự án viện trợ dân sinh, y tế, giáo dục tại Việt Nam.

Huawei muốn đầu tư phát triển 5G ở Việt Nam

Tối qua, nhà lành đạo Việt Nam đã tiếp ông Simon Lin, Chủ tịch Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Huawei.
Đại diện Huawei cho biết, tập đoàn đang hiện diện mạnh mẽ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, xem khu vực là một trong những thị trường chiến lược quan trọng nhất ở nước ngoài. Huawei hiện đang đồng hành cùng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, cung cấp dịch vụ kết nối cho gần 300 triệu gia đình và 1,1 tỷ người dân.
Ông Simon Lin thông tin, có mặt tại Việt Nam từ 25 năm trước, Huawei luôn hoạt động sôi nổi và tích cực với phương châm “tại Việt Nam, vì Việt Nam”. Huawei đã đồng hành với hơn 300 đối tác để cung cấp cơ sở hạ tầng mạng và chuyển đổi kỹ số trong các ngành sản xuất và bất động sản, thương mại.
Bên cạnh đó, Huawei cũng tạo ra hơn 15.000 việc làm, xây dựng đội ngũ chuyên gia với hơn 80% là nhân viên địa phương có thời gian làm việc trung bình hơn 12 năm, và đào tạo cho hơn 18.000 nhân tài số này tại Việt Nam.
Lộ trình Việt Nam tắt sóng 2G, thương mại hoá 5G và nghiên cứu phát triển 6G
Biểu dương nỗ lực và chiến lược chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số của Việt Nam, ông Simon Lin cho biết, Huawei mong muốn trở thành đối tác hỗ trợ, thúc đẩy và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Huawei mong đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như 5G, cũng như số hóa và chuyển đổi carbon thấp trong các ngành công nghiệp.
Hoan nghênh các đề xuất của Huawei, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ủng hộ hoạt động đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam và cho biết, lĩnh vực chuyển đổi số còn không gian, dư địa rất lớn để tập đoàn hoạt động, đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, ông Simon Lin tái khẳng định, Huawei sẽ nỗ lực để triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, với tinh thần “tại Việt Nam, vì Việt Nam và trở thành công ty tốt nhất Việt Nam”.

Việt Nam trở thành điểm trung chuyển giữa ASEAN và Trung Quốc

Sáng 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai trương khu gian hàng thương mại của Việt Nam tại Hội chợ.
Năm nay, Việt Nam tiếp tục là nước tham gia có quy mô lớn nhất ASEAN, với khoảng 200 gian hàng "Việt Nam chất lượng cao" trên diện tích gần 5.000 m2, giới thiệu đến bạn bè quốc tế cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk, TH True Milk, đến các sản phẩm nổi bật như Thái Dương, giày dép Bình Tiên, thực phẩm Vĩnh Tiến, nông sản thực phẩm Vĩnh Hiệp cùng nhiều dịch vụ, hàng hoá nông sản, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm từ gỗ, quảng bá du lịch…
Vui mừng bấm nút khai trương khu gian hàng Việt Nam tại CAEXPO, Thủ tướng tự hào khi Việt Nam không chỉ tham gia Hội chợ với nhiều gian hàng nhất ASEAN, mà còn có lực lượng đông đảo doanh nghiệp tham dự Hội chợ để giao thương, trao đổi.
Ngay tại CAEXPO, nhiều giao dịch kinh tế giữa các doanh nghiệp được ký kết với chất lượng cao hơn các kỳ hội chợ trước.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước “núi liền núi, sông liền sông” Việt Nam – Trung Quốc đang phát triển rất tốt đẹp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khai mạc CAEXPO và CABIS lần thứ 20
Đây là nền tảng quan trọng để hợp tác, trao đổi thương mại. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn rất nhiều dư địa.
Do đó, ông thúc giục các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh, quảng bá sản phẩm để hàng hóa Việt Nam được đón nhận nhiều hơn tại đất nước hơn 1,4 tỷ dân này. Qua đó, góp phần đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng mong muốn với ưu thế gần gũi địa lý, Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Trung Quốc.
Thủ tướng chúc tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc "vừa là đồng chí, vừa là anh em" mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì sự thịnh vượng chung của hai nước, nhân dân hai nước và vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.
Thảo luận