Trong khi đó, lãnh đạo NVIDIA mong tăng cường hợp tác với Việt Nam về AI, bán dẫn, công nghệ thông tin và tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cứ điểm sản xuất mới của NVIDIA ở Đông Nam Á.
Việt Nam sẽ có trung tâm chip và hệ thống siêu tính toán công nghệ Mỹ
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc với một số tập đoàn công nghệ Mỹ tại thung lũng Silicon (California) gồm NVIDIA và Synopsys.
Đáng chú ý, theo cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Synopsys và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã ký kết biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam. Đây được xem là một nước cờ chiến lược và quan trọng đưa Việt Nam vào cuộc đua sản xuất chip bán dẫn.
Cần phải nhắc lại rằng, Việt Nam là một trong những điểm đầu tư chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương của Synopsys.
Theo thoả thuận mới, Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip. Đồng thời, Synopsys và Cục Công nghiệp CNTT và truyền thông (Bộ TTTT) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam, đáng lưu ý nhất là nội dung lập Viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam.
Hiện đây là đơn vị chủ trì đang tham mưu xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chuyến thăm tới Synopsys nhằm góp phần cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó xác định hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá mới trong quan hệ song phương.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng thỏa thuận đầy tiềm năng và hứa hẹn giữa Synopsys và các cơ quan là bước khởi đầu cho những chương trình, kế hoạch hợp tác sâu rộng, toàn diện, có sức lan tỏa lớn hơn nữa.
Ông Chính đề nghị các bộ, ngành của Việt Nam theo sát và kịp thời hỗ trợ để hai bên sớm hiện thực hóa các nội dung của biên bản này, giúp quan hệ hợp tác giữa Synopsys và phía Việt Nam thành công, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, đóng góp cho nền kinh tế của Việt Nam và quan hệ song phương.
Như đã biết, Synopsys là một công ty tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn. Năm 2022, Synopsys có 19.000 nhân viên và đạt doanh thu 5,08 tỷ USD.
Synopsys chính thức tham gia vào thị trường vi mạch Việt Nam qua việc mua lại một phần của eSilicon Corporation năm 2020. Synopsys Việt Nam đã mở rộng đến 4 văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thu hút gần 500 kỹ sư có năng lực.
Đến nay, Synopsys đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ đào tạo nhân tài thiết kế vi mạch tại Việt Nam với Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, trong đó Synopsys tài trợ 30 giấy phép trị giá 20 triệu USD cho hoạt động này.
Lãnh đạo Synopsys khẳng định mong muốn mở rộng nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam và hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam.
Chủ tịch và đồng sáng lập của NVIDIA Jensen Huang giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính về Công ty NVIDIA
© TTXVN - Dương Văn Giang
Việt Nam đủ năng lực làm chip bán dẫn
Được biết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn và một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi.
Ông Dũng nhắc lại, Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.
Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ ngành xây dựng chương trình hành động để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.
"Việc hợp tác giữa NIC và Synopsys sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực, các doanh nghiệp về thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam, cũng như tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và ngành công nghiệp bán dẫn", - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng.
Báo Đầu tư dẫn lời của ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, Synopsys nổi tiếng với các giải pháp phần mềm thiết kế bán dẫn, IP và bảo mật phần mềm đầu ngành.
Ông Hoài đánh giá, việc hợp tác thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch NIC tại Việt Nam có thể nhận được những lợi ích từ công nghệ thiết kế tầm cỡ thế giới của công ty bằng cách đào tạo các nhà thiết kế chip tương lai của chúng tôi theo những xu hướng mới nhất của ngành.
"Hợp tác cũng có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam", - ông Hoài tin tưởng.
Trong khi đó, ông Robert Li, Phó chủ tịch bán hàng của Synopsys khu vực Đài Loan, Đông Nam Á và Ấn Độ bày tỏ, NIC là trung tâm đổi mới của ngành công nghệ cao Việt Nam và Synopsys rất vui được hỗ trợ NIC thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip bằng công nghệ tiên tiến của Synopsys.
Trong những năm gần đây, Synopsys đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến cho các đối tác Việt Nam giúp họ nâng cao năng lực thiết kế vi mạch và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.
"Chúng tôi hy vọng việc hợp tác với NIC sẽ không chỉ mang tới những công nghệ mới cho các đối tác của chúng tôi tại Việt Nam mà còn bồi dưỡng tài năng trẻ cũng như giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam", - ông Robert Li nhấn mạnh.
Đại diện tập đoàn Mỹ cũng cam kết, Synopsys sẽ hợp tác chặt chẽ với NIC để giúp củng cố sự phát triển của ngành bán dẫn và nâng cao vị thế dẫn đầu trong khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công ty thiết kế chíp Synopsys
© TTXVN - Dương Văn Giang
Mong NVIDIA sớm có nhà máy sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam
Thăm công ty sản xuất chip bán dẫn NVIDIA, doanh nghiệp đứng đầu Mỹ về lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian trao đổi với ông Jensen Huang, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch của Nvidia.
Hai bên đã trao đổi về xu hướng phát triển AI toàn cầu và tiềm năng hợp tác rất rộng mở giữa công ty với phía Việt Nam, cũng như những góp ý cho chiến lược quốc gia về bán dẫn mà Việt Nam đang xây dựng.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nvidia tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà tập đoàn có thế mạnh và Việt Nam đang dành ưu tiên cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị phía NVIDIA góp ý, tư vấn về chính sách, hỗ trợ đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực công nghệ và quản trị, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
NVIDIA với giá trị vốn hóa đạt 992 tỷ USD (tháng 5.2023), có hơn 26.000 nhân viên trên toàn cầu. Ông lớn sản xuất chip của Mỹ đã kế hoạch tăng sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) cho năm 2024 lên hơn 3 lần và doanh thu của công ty dự kiến còn tăng cao trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, NVIDIA là nhà cung cấp máy chủ và AI hàng đầu. Hiện, NVIDIA đã ký thỏa thuận với Viettel với mong muốn trở thành một đối tác của Việt Nam trong quá trình nâng cao năng lực nội địa về AI.
Ngoài ra, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đang nghiên cứu phát triển hệ thống siêu tính toán với chip A100 của NVIDIA để ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đích thân mời Chủ tịch NVIDIA thăm và làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, với mong muốn NVIDIA sớm có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, lấy Việt Nam làm trung tâm tại khu vực Đông Nam Á.