Nền kinh tế Việt Nam được khen

ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong thời gian tới, bằng 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024.
Sputnik
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.

ADB khen kinh tế Việt Nam vững vàng

Ngày 27/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9. Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại, bằng 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024.
Các số liệu nói trên có giảm so với dự báo hồi tháng 4/2023, lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do sự suy yếu nhu cầu bên ngoài.
Chuyên gia ADB lưu ý, các yếu tố chính tác động tới nền kinh tế bao gồm tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thắt chặt tiền tệ ở một số quốc gia phát triển và sự gián đoạn do căng thẳng địa chính trị thế giới gia tăng. Các dự báo về lạm phát giảm từ 4,5% xuống còn 3,8% cho năm 2023 và từ 4,2% xuống còn 4,0% cho năm 2024.
Kinh tế Việt Nam còn lộ tín hiệu xấu, VND có thể mất giá thêm
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty cho hay, môi trường bên ngoài yếu kém, bao gồm cả sự phục hồi chậm chạp của thị trường Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, dẫn đến thu hẹp sản xuất công nghiệp.
“Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại”, - ông Chakraborty nói.

Nhiều ngành phục hồi, lạm phát vừa phải

Dù sản xuất công nghiệp Việt Nam bị thu hẹp, các lĩnh vực khác vẫn được dự báo tăng trưởng lành mạnh.
Lĩnh vực dịch vụ nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của du lịch và các dịch vụ liên quan. Nông nghiệp có thể hưởng lợi từ giá lương thực tăng, dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 và năm tiếp theo.
Sự phục hồi của du lịch nội địa đã giúp tiêu dùng tăng 2,7% trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, đầu tư vẫn giảm trong khoảng thời gian này, do tổng tích lũy tài sản cố định giảm về 1,2% so với mức 3,8% một năm trước đó.
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 10 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, tương đương năm trước.
Tuy nhiên, cam kết vốn FDI trong nửa đầu năm 2023 ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ do căng thẳng địa chính trị và sự thắt chặt điều kiện tài chính toàn cầu. Nhu cầu bên ngoài yếu làm cho thương mại suy giảm, kìm hãm tăng trưởng chung.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, áp lực lạm phát giảm nhẹ nhờ giá dầu giảm và tỷ giá hối đoái ổn định. Dù lạm phát chung duy trì ở mức trung bình 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản (loại bỏ tác động của các yếu tố tạm thời) vẫn ở mức cao 4,6%.
Việt Nam cải thiện về tự do kinh tế
ADB ghi nhận, tăng trưởng thấp và lạm phát vừa phải đã dẫn đến việc Chính phủ theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có 4 lần điều chỉnh giảm giảm lãi suất điều hành. Lãi suất tái cấp vốn giảm còn 4,5%, lãi suất tái chiết khấu giảm còn 3,0% và lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại giảm tương ứng 1,0%.
Để hỗ trợ những khách hàng gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ các khoản vay kinh doanh và tiêu dùng, cũng như giữ nguyên nhóm nợ cho đến ngày 30/6/2024. Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng vẫn yếu, cho thấy những khó khăn của nền kinh tế thực.
Báo cáo của ADB còn nhấn mạnh những rủi ro đáng kể đối với triển vọng này. Ở trong nước, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém về cấu trúc nội tại nền kinh tế là những nguy cơ chính làm giảm tốc độ tăng trưởng.
Ở bên ngoài, tăng trưởng toàn cầu chậm lại đáng kể và sự phục hồi yếu ở Trung Quốc vẫn là nguy cơ đối với nền kinh tế thời gian tới.
Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu và việc đồng USD mạnh hơn có thể càng tăng thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá tiền VND.

NHNN chưa gặp khó khăn

Trả lời báo chí về vấn đề tỷ giá tăng gần đây, chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Bá Hùng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành linh hoạt, nới rộng biên độ, các biến động tỷ giá nằm trong biên độ đặt ra từ trước. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước chưa gặp khó khăn về chính sách với tỷ giá.
Tín hiệu xấu về kinh tế Việt Nam
Về khía cạnh thị trường, giảm lãi suất chỉ là một yếu tố tác động đến cung cầu ngoại tệ trong thời điểm hiện tại. Người dân muốn giữ tiền USD thay vì VND vì lãi suất thấp, khiến cầu ngoại tệ tăng lên.
Mặc dù vậy, xuất khẩu chưa cải thiện nhiều nên chưa gây ra biến động về cầu quá lớn.
Theo chuyên gia, biến động gần đây của tỷ giá liên quan đến thông tin mới khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để giảm thanh khoản, trong khi tỷ giá cần một thời gian ngắn nữa để ổn định trở lại.
Thảo luận