Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm bị cáo buộc đã có hành vi gian dối, làm trái quy định, tạo lập 25 gói trái phiếu trị giá 30.081 tỷ đồng để bán, huy động tiền và chiếm đoạt.
Tìm bị hại vụ trái phiếu Vạn Thịnh Phát – An Đông
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an vừa phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Quá trình điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định, từ năm 2018 - 2020, các bị can có liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật, tạo lập 25 gói trái phiếu.
Các mã trái phiếu này gồm mã ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20.
Các lô trái phiếu mà Vạn Thịnh Phát cùng các công ty sân sau đã phát hành có tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua (trái chủ) huy động tiền rồi chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng xác định những người mua 25 mã trái phiếu kể trên là bị hại trong vụ án và đã ủy thác công an các tỉnh, thành phố của các bị hại này tiếp nhận thông tin, ghi tường trình bị hại để xem xét, giải quyết theo quy định.
Doanh nghiệp nào phát hành hơn 30.000 tỷ trái phiếu Vạn Thịnh Phát?
Theo kết quả điều tra của Bộ Công an trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 50/QĐ-CSKT-P10, ngày 7/10/2022, cũng như dữ liệu từ sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), các lô trái phiếu được C03 điểm danh do 4 doanh nghiệp phát hành gồm:
1. CTCP Đầu tư & Phát triển Sunny World
2. CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông
3. CTCP Dịch vụ - Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Setra)
4. CTCP Đầu tư Quang Thuận
Trong số này, có 3 lô trái phiếu của An Đông chiếm phần lớn giá trị với xấp xỉ 25.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lô trái phiếu ADC-2018.09 do An Đông Phát hành ngày 10/9/2018 với trị giá 11.969 tỷ đồng là lô trái phiếu có giá trị phát hành lớn nhất trên thị trường trái phiếu Việt Nam vào thời điểm đó. Lô trái phiếu này đã đáo hạn vào ngày 10/9 vừa qua. Với nỗ lực của cơ quan điều tra, sai phạm của đại gia Trương Mỹ Lan, những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp “tay trong” liên quan sẽ được làm sáng tỏ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Cảnh giác với xúi giục biểu tình
Để phục vụ công tác điều tra, đảm bảo quyền lợi của bị hại, C03 đề nghị các các nhân, tổ chức còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu kể trên, đến công an nơi cư trú hoặc nơi làm hợp đồng mua bán trái phiếu để cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
“Nếu bị hại không đến làm việc, cung cấp tài liệu, thông tin trước thời điểm kết thúc điều tra vụ án thì cơ quan này không xem xét giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong vụ án”, C03nhấn mạnh.
Cùng với đó,C03 cũng khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với các đối tượng có biểu hiện lợi dụng, đưa thông tin sai sự thật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xúi giục biểu tình, tập trung đông người tại các cơ quan, tổ chức có liên quan, gây mất trật tự xã hội.
Phát biểu hồi tháng 9, nêu ý kiến giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, các cơ quan tố tụng đã thụ lý, điều tra các vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó “về quy mô, tính chất phức tạp, chưa có tiền lệ”.
Ông Trí dẫn ví dụ vụ án Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan và cho biết, vụ án liên quan đến ngân hàng, chứng khoán, thẩm định giá, công chứng, kể cả phát hành trái phiếu, đồng thời, ảnh hưởng đến nguồn lực quốc gia, tài sản thế chấp ngân hàng.
“Ngay năm 2023, các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra, công an, kiểm sát hút vào những vụ án lớn này rất mất sức và phải đảm bảo tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương giao để đưa ra truy tố, xét xử”, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Bắt bà Trương Mỹ Lan
Trước đó,như Sputnik đưa tin, đầu tháng 10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Đã có 32 người trong 2 vụ án liên quan sai phạm tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố.
Hôm 7/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 3 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 – 2019.
Cùng với Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, Nguyễn Phương Hồng, trợ lý công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor (cháu ruột của bà Trương Mỹ Lan, là vợ của ca sĩ Thanh Bùi); Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 28/3/2022, Bộ Công an đã khởi tố bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) và 4 người của đoàn thanh tra liên ngành thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Kết quả điều tra của C03 cho thấy, bà Nhàn và những thành viên đoàn thanh tra thuộc NHNN đã báo cáo “không đúng sự thật” kết quả thanh tra với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến việc giám sát, kiểm sát ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) không kịp thời, gây ra sự cố rút tiền hàng loạt chưa từng có trong ngành ngân hàng.
Vụ bắt đại gia Nguyễn Cao Trí liên quan bà Trương Mỹ Lan
Liên quan vụ án của bà Trương Mỹ Lan, Bộ Công an cho biết, ngày 15/01/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Đại gia Nguyễn Cao Trí, một doanh nhân nổi tiếng ở TP. HCM, lãnh đạo Tập đoàn Capella (Capella Holdings), thành viên hội đồng trường Đại học Văn Lang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh.
Trong quá trình mở rộng điều tra vụ án tại Công ty cổ phần An Đông hay còn gọi là vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan điều tra phát hiện Trương Mỹ Lan có quan hệ làm ăn, đầu tư với Nguyễn Cao Trí. Đáng nói, bà Trương Mỹ Lan đã chuyển cho Tri số tiền hơn 40 triệu USD để mua bán dự án, kinh doanh.
Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, theo Bộ Công an, ông Nguyễn Cao Trí đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền 40 triệu đô la mà bà Lan đã chuyển cho ông Trí.
Ông Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo một số nhân viên tiêu hủy giấy tờ, chứng cứ việc Lan chuyển tiền cho Trí với mục đích chiếm đoạt toàn bộ số tiền kể trên.
Tại Cơ quan điều tra, ông Trí đã nhận tội và sẽ phải nộp lại số tiền đã chiếm đoạt. Cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa tài sản của Trí để đảm bảo thu hồi tài sản trong vụ án.
Thông qua vụ việc của hai đại gia Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí, Bộ Công an cảnh báo:
“Pháp luật sẽ xử lý nghiêm khắc những ai dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tiền, tài sản mà họ đã được đối tác chuyển giao nhưng khi đối tác vướng vòng lao lý thì tìm cách chiếm đoạt”.