Theo đó, Hiệp hội đề nghị Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong khu công nghiệp. Đồng thời, đề nghị cho công nhân, lao động đang thuê nhà ở xã hội trong khu công nghiệp được mua lại nhà ở này khi chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ.
Cụ thể, theo ông Châu, kiến nghị của HOREA theo hướng để Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và công nhân, lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê, theo cơ chế “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có tư cách pháp nhân, có chức năng kinh doanh bất động sản, có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh việc kiến nghị để Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam “cầm cái” trong công tác đầu tư nhà ở xã hội, Hiệp hội cũng đề nghị cho công nhân, lao động đang thuê "nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp" được mua lại nhà ở này khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép "chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ" theo quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022 của Chính phủ, mà khu "nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp" vẫn phù hợp quy hoạch.
Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa tiên lượng trường hợp "khu công nghiệp" được chuyển đổi thành "khu đô thị - dịch vụ" theo quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2022/NĐ-CP cho phép "chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ" quy định.
Vì vậy trường hợp trong KCN có thiết chế công đoàn bao gồm khu NOXH cho công nhân trong KCN thuê thì Hiệp hội đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định người thuê căn hộ này từ 5 năm trở lên được mua lại nhà ở này khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị - dịch vụ.